Amazon - Kênh bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới (theo Statista) và Google - Công cụ tìm kiếm được ưa chuộng nhất hành tinh (theo Oberlo), hiện nay đang là hai đế chế có tầm ảnh hưởng nhất khắp địa cầu. Tuy vậy, khi nhắc đến văn hóa công ty và chiến lược kinh doanh, hai ông lớn này được xem như hai thái cực rõ rệt.

Trong bài chia sẻ với trang báo Inc, Richard Russel đã “khai sáng” một số điểm khác biệt nổi bật giữa 2 tập đoàn về các khía cạnh như: Tuyển dụng, Quyền lợi, Văn hóa công ty, Phong cách quản lý, v.v

Richard Russell - Huấn luyện viên (Coach) chuyên chia sẻ về leadership và nguyên lý kinh doanh (VD: OKR - Google, Working Backwards - Amazon) để phát triển mô hình kinh doanh của khách hàng. Ông từng có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại Google và Amazon.

TUYỂN DỤNG

Câu hỏi phỏng vấn thường gặp ở Google là: Bạn thông minh đến cỡ nào? (How smart are you?)

Theo Russell, Google lựa chọn tuyển những cá nhân xuất chúng, khiến họ vui vẻ bằng cách cung cấp hàng loạt đặc quyền (perks) và sự tự do trong công việc (đi kèm với những vấn đề hóc búa) với hi vọng rằng những điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Nhìn chung thì nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm nhân viên chăm chỉ, cần cù, tuy nhiên, đấy không phải là mục tiêu chính. Hầu hết mọi người thường làm hay nói những điều để chứng tỏ họ tài năng đến cỡ nào

Còn ở Amazon, nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi: “Bạn đã làm được những gì rồi?” (What have you done?)

Photo by Christina @ wocintechchat.com / Unsplash

Amazon chuộng những người có thể hoàn thành nhiều công việc, chịu được áp lực lớn và sự hướng dẫn có hệ thống, cũng như giao cho nhân viên những bài toàn hóc búa bên cạnh sự thoải mái nhất định, với mục tiêu là hoàn thành nhiều thứ nhất có thể. Russell cho rằng Amazon sẽ tìm kiếm người giỏi cho đội ngũ của mình, tuy nhiên đó cũng không phải là mục tiêu hàng đầu. Nhân viên ở đây thường tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ và ít khi kể về chúng nhiều đến thế.

Cả hai tập đoàn luôn là điểm đến hàng đầu của nhiều ứng viên tài năng với phúc lợi như lương cao, giá cổ phiếu hấp dẫn và nhiều hơn thế nữa. Trong mắt các ứng viên, Google thường được biết đến như là “môi trường làm việc tốt nhất”, còn Amazon sẽ là nơi thu hút “những cá nhân đam mê hoàn thành nhiều thứ nhất có thể” (getting things done).

“Nếu tôi là một nhà tuyển dụng, tôi sẽ áp dụng phương pháp của Amazon và ưu tiên lựa chọn các cựu Amazonians về đội của mình hơn là Googlers một chút. Không phải vì họ (Googlers) không làm được việc, đơn giản là tôi thích Amazonians hơn. Còn để lựa chọn nơi phù hợp để làm việc, Google sẽ là điểm đến của tôi vì đó thực sự là một môi trường tuyệt vời” - Russell cho biết.

Photo by Andrew Stickelman / Unsplash

Vậy nếu như mục tiêu của anh ấy là phát huy khả năng và sự nghiệp của mình thì sao? Russel chia sẻ anh sẽ đầu quân cho Amazon bất chấp nhiều điều khiến anh khó chịu, hoặc thậm chí là vì nó (sự không hài lòng).

Quyền lợi, Lợi nhuận và Văn hóa công ty

Russell nói rằng: “Google thích xem mình là một công ty đi theo chủ nghĩa tiết kiệm. Nhưng điều đó không thành vấn đề, bởi tỉ trọng giao dịch ký quỹ của Google chiếm hơn 30%.

Trái lại, Amazon lại có tỷ suất nhỏ hơn nhiều, trong khoảng 5 đến 10%. “Họ đúng là tiết kiệm thật, và điều đó rất quan trọng. Nhưng đôi khi họ đưa nó đi quá xa một cách không cần thiết” - Russell chia sẻ.

Ở cả 2 nơi, bạn sẽ không được đi máy bay hạng Nhất bất kể bạn đã làm việc lâu năm, mặc dù bạn có thể có cơ hội nhận vé hạng Phổ thông cao cấp hoặc hạng Thương gia ở Google so với Amazon.

Anh ấy nói thêm: "Một đặc quyền ở Google là nhân viên được cung cấp thực phẩm chất lượng . Và nó thực sự có lợi về mặt kinh doanh, bởi mọi người không cần phải lãng phí thời gian chuẩn bị hoặc ra ngoài để mua thức ăn. Thay vào đó, họ có xu hướng giao lưu và ăn uống cùng với nhau - nó trông có vẻ tốn kém và không hiệu quả, nhưng đó là một cách sử dụng kinh phí tuyệt vời và rẻ hơn rất nhiều.

Logo, Google Sydney
Photo by Mitchell Luo / Unsplash

Trái lại, Amazon không làm như vậy. Theo Russel, tuy nhiên, đó lại là một sự hà tiện sai lầm, bởi cuối cùng thì nhân viên tại mất thời gian đi ăn trưa ở ngoài. Từ góc nhìn của nhân viên, họ lại cho rằng Amazon đang cố gắng giảm chi tiêu và điều đó cũng ảnh hưởng lên các khía cạnh khác của doanh nghiệp.

Khi nói đến các quy trình về mặt nhân sự, Russel mô tả Google có cách tiếp cận khá đặc biệt, khi họ có xu hướng tạo ra các “buồng vang thông tin” đối với việc tuyển dụng và thăng tiến. Người phỏng vấn nhận được rất ít phản hồi, từ đó mà họ cải thiện khá là chậm.

Đọc thêm về Buồng vang thông tin (Echo chamber) tại đây.

Amazon, mặt khác, sử dụng một phương pháp tuyển dụng có cấu trúc rõ ràng và đáng tin cậy. Họ cũng đang áp dụng mô hình này một cách nghiêm ngặt đối với việc sa thải, thăng chức và trao thưởng.

Quá trình tuyển dụng bao gồm 4 đến 8 người phỏng vấn, trong đó họ sử dụng những câu hỏi hành vi (behavioral questions) tập trung vào các nguyên tắc lãnh đạo của Amazon. Sau đó, người phỏng vấn sẽ có một buổi tổng kết ngắn, với mục đích giúp họ cải thiện kỹ năng của mình hơn. Những cuộc thảo luận tương tự cũng được áp dụng đối với các cuộc đánh giá thắng chức, điều này buộc toàn bộ các nhà quản lý phải có sự kỷ luật nhất định và hiểu biết chung về cách đánh giá nhân viên của mình.

“Điều này giúp Amazon duy trì văn hóa công ty một cách bài bản thông qua chính quy trình nhân sự của họ. Google sẽ rất có lợi thông qua việc áp dụng những thành công của Amazon và điều chỉnh chúng cho phù hợp với văn hóa của họ” - Russell chia sẻ.

Cơ cấu quản lý

Russell mô tả Google như “một tổ chức kỹ thuật và xây dựng sản phẩm làm việc dưới mô hình chỉ huy và kiểm soát tập trung”, song song với “một tổ chức kinh doanh và bán hàng hơi hướng độc lập”. Ông ấy cũng nói thêm, Google được dẫn dắt bởi các kỹ sư hoặc người làm sản phẩm - chí ít, đó là mục tiêu hướng đến của họ và việc bán hàng phục vụ nhu cầu để kiếm tiền từ sản phầm.

Mặt khác, cơ cấu của Amazon lại được thúc đẩy bởi nhu cầu kinh doanh. Những nhà lãnh đạo không nhất thiết phải là kỹ sư/ người quản lý sản phẩm/ người phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, bởi vì họ đi sâu vào công nghệ, họ hiểu rất rõ về công nghệ.

Photo by JESHOOTS.COM / Unsplash

Theo quan điểm của Russell, Google có thể tạo ra những sự đổi mới nhanh chóng khi những sự quyết định được bắt nguồn từ vị trí cấp cao bởi công nghệ được tổ chức một cách rõ ràng và thường có một người chịu trách nhiệm cho từng mảng, từ đó không dẫn đến nhiều sự chồng chéo và tạo ra sự điều hướng dễ dàng.

Tuy nhiên, Google khó để trở nên linh hoạt hơn ở trong những trường hợp yêu cầu phản ứng kịp thời trong thị trường hay học hỏi kinh nghiệm, vì quyền quyết định sẽ được tập trung lại và được thực hiện từ yêu cầu từ cấp cao hơn. Nói cách khác, Google hoạt động giống như một hệ thống chính phủ kế hoạch hóa tập trung khổng lồ.

Trong trường hợp tương tự, Amazon lại có thể thực hiện những sự thay đổi, chỉnh sửa nhỏ nhanh hơn, vì quyền quyết định được đẩy xuống phía dưới hết mức có thể. Mặt trái của cách làm này, là nó có thể dẫn đến sự trùng lặp. Những thay đổi tập trung lớn mất nhiều thời gian để hoàn thành, bởi sẽ cần nhiều người hơn để thực hiện và cũng rất khó để bắt buộc mọi người cùng làm. Nói cách khác, Amazon hoạt động như một nền kinh tế tư bản không có kế hoạch hóa tập trung.

Cơ cấu quản lý như trên cũng đồng thời ảnh hưởng đến cách Google và Amazon đặt mục tiêu.

Trong khi Google sử dụng OKR (Objectives & Key Results) - một bộ khung thiết lập mục tiêu để xác định và theo dõi các mục tiêu và kết quả của chúng, quy trình lên mục tiêu của Amazon được phát triển tương đối tốt, mặc dù không có cấu trúc cụ thể hay minh bạch như của Google.

Russell cho rằng Amazon nên áp dụng OKR rộng rãi hơn, đặc biệt trong các trường hợp yêu cầu sự minh bạch. Hiện tại, quá trình thiết lập mục tiêu của Amazon khó để điều hướng và phối hợp hơn nhiều.

Phong cách và quy trình quản lý

Theo Russell, phong cách và quy trình quản lý của Amazon thường dễ để chuyển giao và áp dụng cho các công ty khác hơn so với Google, nhờ vào phong cách có hệ thống, cấu trúc và hoàn thiện hơn. Chưa kể đến việc rất ít công ty có thể bắt kịp mức lợi nhuận cao như Google.

Hãy lấy sự đổi mới sáng tạo làm ví dụ. Amazon rất coi trọng sự kỷ luật và kỹ lưỡng khi đưa ý tưởng mới, trong khi đó, Google lựa chọn thử mọi thứ và hi vọng rằng một vài trong số đó tạo ra kết quả tốt. Google có có đủ khả năng tài chính để làm theo hướng đó và đúng là sau cùng nó hiệu nghiệm thực sự. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này không thể áp dụng được nếu không nhờ vào lợi nhuận của Google. Hướng đi của Amazon lại phù hợp hơn với mọi công ty.

Chìa khóa để thành công là áp dụng có chọn lọc những bài học từ 2 đế chế cho nhu cầu và văn hóa công ty của bạn  - điều mà giúp bạn “vẹn cả đôi đường”.

Nguồn: Life at Google Versus Life at Amazon: From Hiring to Firing (and Everything in Between)