Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc trong vấn đề bình đẳng giới, nhiều chị em phụ nữ vẫn đang phải gồng mình để tìm kiếm điểm cân bằng giữa sự nghiệp của họ và sự nghiệp của người bạn đời. Một số người chồng sẽ rất vui vẻ khi vợ họ thành đạt và có thu nhập cao miễn là điều này không cản trở sự nghiệp của chính họ (người chồng). 60% cuộc ly hôn của các cặp vợ chồng lớn tuổi, đã ở cạnh nhau nhiều thập kỷ, đều xuất phát từ yêu cầu của người vợ.

Bài học rút ra ở đây: Giữ chân phụ nữ, cho dù ở nhà hay ở văn phòng, cần kỹ năng, sự tự nhận thức về bản thân và sự cam kết chân thành cho tương lai mà khi đó cả hai cá thể trong cuộc hôn nhân đều có cơ hội để phát huy hết khả năng của mình.

Photo by Sandy Millar / Unsplash

Một hôm nọ, tôi đã dùng bữa tối với 8 người phụ nữ thành công trong sự nghiệp, trong độ tuổi từ 35 đến 74. Những câu chuyện của họ rất tương đồng với nghiên cứu tôi đang thực hiện về các cặp đôi có sự thăng hoa tương đồng trong sự nghiệp. Một người trong số đó vừa có cơ hội thăng tiến ở quốc gia khác và đang cố gắng thuyết phục chồng để đồng ý di chuyển cùng cô ấy. Một người khác thì cho rằng, để duy trì cuộc hôn nhân này, cô sẽ nghỉ phép một năm để đi học, đồng thời dành thêm thời gian cho gia đình và rời xa hai công việc đòi hỏi nhiều sức lực. Người thứ ba đã cố gắng làm việc bán thời gian cho công ty luật của cô ấy, nhưng lại sớm nhận ra rằng đó chỉ là một công việc phụ trợ. Thay vào đó, cô ấy đã chọn học tiến sĩ, còn chồng cô thì vẫn tiếp tục sự nghiệp hiện nay của anh.

Trải nghiệm này thêm phần nhấn mạnh kết luật tôi rút ra từ nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm, rằng: Khi nói đến việc chọn bạn đời, những người phụ nữ có mục tiêu lớn trong sự nghiệp thực sự chỉ có 2 lựa chọn duy nhất: hoặc là một người bạn đời rất cảm thông hoặc là không có ai cả. Bất cứ ai nằm ở giữa hai thái cực này cuối cùng sẽ đều trở thành một người sa đọa trong đạo đức và sự nghiệp.

Đây là bản chất của quá trình chuyển đổi nửa vời mà phụ nữ đang gặp phải ở nơi làm việc. Thế kỷ 20 chứng kiến sự lên ngôi của phụ nữ. Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự thích nghi và chấp nhận của phái nam với sự thay đổi này (hoặc là không). Sự thật là quá trình thích ứng này sẽ không suôn sẻ và ắt hẳn, sẽ có rất nhiều phản ứng dữ dội từ phái mạnh. Đổi lại, nếu điều này có thể diễn ra sẽ mang những lợi ích rất lớn.

Photo by Christina @ wocintechchat.com / Unsplash

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ rất ít nam giới và các công ty đang điều chỉnh và thích ứng với sự thay đổi này. Bà Melinda Gates gần đây có chia sẻ rằng, chúng tôi dường như vẫn đang “gửi gắm” con gái mình vào làm tại các công ty được thiết kế dành riêng cho bố chúng nó. Hôn nhân được cho là bình đẳng, khi và chỉ khi công việc của người chồng không bị ảnh hưởng bởi sự thành công của vợ anh ta. Thi thoảng tôi vẫn nghe được một vài chia sẻ về việc bạn đời gặp khó khăn trong công việc từ các cặp đồng giới, và tôi nhận ra rằng mối quan tâm cho sự nghiệp của người phụ nữ thường chỉ được xếp sau chồng mình.

Tôi không có ý muốn nói rằng các anh chồng này không hề cảm thông hay thích nghi với thời thế. Thậm chí, nhiều CEO hay lãnh đạo của các công ty mà tôi biết cũng xem họ là người như vậy. Tuy nhiên, những sự đánh đổi ngoài ý muốn khiến họ không kịp “trở tay”. Họ hoàn toàn hạnh phúc khi ở cạnh người bạn đời thành công trong sự nghiệp cá nhân. Họ còn cổ vũ và khích lệ vợ mình theo đuổi mục tiêu cá nhân - cho đến khi điều đó cản trở sự nghiệp của chính họ. Một nghiên cứu của Pamela Stone và Meg Lovejoy cho biết, hai phần ba yếu tố ảnh hưởng quyết định nghỉ việc của phụ nữ xuất phát từ chồng mình, và thường là bởi vì họ phải làm tròn nghĩa vụ nuôi dạy con cái.

Trong một nghiên cứu khác của Joan Williams, cô ấy viết: Trong khi phái nữ gần như nhất trí cho rằng chồng mình rất cảm thông với họ nhưng không quên nhấn mạnh rằng, các anh chồng chỉ làm thế nếu điều này không thay đổi lịch làm việc của họ hay chỉ muốn phụ thêm cho vợ trong việc chăm sóc con cái. Như một phụ nữ từng tâm sự: “Anh ấy lúc nào cũng bảo với tôi rằng, em có thể làm bất cứ thứ gì em muốn. Nhưng cuối cùng, anh ấy chẳng hỗ trợ tôi thêm chút việc nào khác.”

Chị em phụ nữ cho rằng trong hôn nhân, các cặp đôi được giáo dục tốt sẽ cùng hỗ trợ lẫn nhau để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Một khảo sát cho sinh viên trường Kinh doanh Harvard đưa ra một kết luận rằng hơn một nửa số đàn ông kỳ vọng sự nghiệp của họ được ưu tiên hơn vợ của mình, trong khi đó hầu hết phụ nữ mong chờ cuộc hôn nhân bình đẳng (và hầu như chẳng có ai đặt sự nghiệp của họ làm ưu tiên hàng đầu). Đàn ông thế hệ Millennial thường được cho là có nhiều tiến bộ hơn trong suy nghĩ, nhưng sốliệu lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn thế: Đàn ông trẻ tuổi thậm chí còn ít quan tâm đến sự bình đẳng trong hôn nhân hơn cả những người lớn tuổi.

This is a shot of the owner of New Zealand watch company - Hunters Race.
Photo by Hunters Race / Unsplash

Ngay cả những cặp vợ chồng duy trì hôn nhân bình đẳng cũng phải là những cá nhân “đặc biệt” để đảm bảo cả hai đều có thể duy trì được sự nghiệp của mình. Tất nhiên nó sẽ dễ dàng hơn khi lựa chọn con đường ít sự phản đối nhất - mô hình chuẩn mực từ trước đến nay khi mà đàn ông tập trung vào sự nghiệp, còn phụ nữ tập trung xây dựng gia đình. Đặc biệt, điều này thường xảy ra khi người đàn ông lớn hơn một vài tuổi, đang bắt đầu khởi dựng sự nghiệp và vì thế, kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này dẫn đến một vòng lặp khó có thể phá vỡ: Phái nam có nhiều cơ hội để kiếm nhiều tiền hơn và phụ nữ ngày càng khó theo kịp được.

Phái nữ quyết định “phản ứng chậm” để giải quyết nỗi thất vọng này. Như kết quả tôi tìm được khi nghiên cứu cuốn sách nói về tỷ lệ ly hôn và kết hôn ngày càng tăng ở những người trong độ tuổi 50 và 60, đã chỉ ra rằng: Những người phụ nữ tài năng buộc phải từ bỏ tham vọng của bản thân do tác động từ thái độ của chồng mình đã chờ đợi đến thời điểm phù hợp để kết thúc cuộc hôn nhân này. Lúc mà con cái tự lập và dọn ra ở riêng cũng là lúc họ lựa chọn dừng lại. Khoảng 60% các cuộc ly hôn hoa râm (late-life divorces) là do phụ nữ đề xuất, thường với mục đích là để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp sau 50 tuổi.

Đàn ông cho rằng vai trò của mình chỉ cần làm việc chăm chỉ và chu cấp mọi thứ là đủ. Nhưng đó không phải là điều mà các cặp vợ chồng hiện đại hướng đến trong thế kỷ cân bằng về giới như hiện nay. Những cặp đôi “dual-earner” có lợi thế rất lớn trong thời buổi kinh tế biến động như hiện nay. Giáo sư Eli Finkel của Đại học Northwestern từng viết trong cuốn sách The All-or-Nothing Marriage. Bình đẳng giới trong gia đình đã tạo ra những cuộc hôn nhân lâu bền hơn rất nhiều. Nhưng để đạt được điều đó, chúng ta cần sự hỗ trợ và cân bằng từ hai phía trong suốt nhiều thập kỷ.

“Tôi không biết gì hết” là câu trả lời tôi thường nhận được từ nhiều người đàn ông khi vợ họ rời bỏ họ mà đi. Đối với tôi, điều này nghe giống như những gì các sếp thường nói khi mà các nữ giám đốc điều hành cấp cao nghỉ việc vậy. Họ không hề tiên đoán được quyết định rời đi này và cũng không thể hiểu được vợ họ đã tổn thương như thế nào khi không có được sự ủng hộ và công nhận từ chồng mình hay khi chứng kiến sự thăng chức của các đồng nghiệp nam có năng lực kém hơn.

Happy Singles Awareness Day
Photo by Kelly Sikkema / Unsplash

Nhưng sau tất cả, cánh đàn ông không phải không biết, mà chẳng qua họ không hề quan tâm. Họ gật đầu lấy lệ và bỏ ngoài tai những lời càm ràm từ vợ mình vì họ cho rằng điều đó không hề quan trọng và cũng không ảnh hưởng trực tiếp gì đến họ cả. Nhiều người còn cho rằng chắc là do thời kỳ mãn kinh nên chị em mới bất mãn như vậy, và tất cả những gì họ phải làm là chờ đến khi nó kết thúc. Chính thái độ lảng tránh và thờ ơ này của chồng mình khiến phụ nữ dần dà mất kiên nhẫn và quyết định rời bỏ anh ta.

Rất nhiều điều mọi người học được về kỹ năng lãnh đạo và xây dựng đội nhóm tại nơi làm việc hoàn toàn có thể áp dụng để duy trì sự cân bằng trong gia đình. Một số giải pháp mà tôi nhắc đến trong cuốn sách sắp tới của mình bao gồm:

Tầm nhìn: Trao đổi thường xuyên về mục tiêu cá nhân và sự nghiệp của nhau. Thứ có thể phá hủy toàn bộ kế hoạch cuộc sống của cả 2 bên xuất phát từ chính sự thiếu liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Hãy chia sẻ cho đối phương biết bạn sẽ cần những sự hỗ trợ nào và chúng có thể thực hiện ra sao.
Lắng nghe chủ động: Lời than phiền phổ biến nhất từ phụ nữ đó chính họ cảm thấy không được lắng nghe và trân trọng từ phái nam. Bạn nên thường xuyên ngồi xuống và trò chuyện hàng tháng (hoặc ít nhất là hàng quý). Trực tiếp lắng nghe mọi thứ từ đối phương một cách tận tâm, và không cắt ngang giữa chừng. Sau đó, bạn có thể nhắc lại những gì bạn đã nghe và góp ý thay đổi nếu cần thiết. Sau đó thì đổi lại.
Góp ý (aka xu nịnh): Mọi người đều đánh giá cao sự góp ý (feedback), nhưng có vẻ, điều này càng ngày càng hiếm thấy cả ở nhà lẫn chỗ làm. Quy tắc thường được sử dụng là 5 to 1: 5 nhận xét tích cực cho mỗi đóng góp mang tính xây dựng. Suy cho cùng thì con người thích được yêu quý, đặc biệt là từ người bạn đời của họ. Vì vậy, hãy dành những lời khen cho vợ mình, nói cho họ biết họ xinh đẹp, thông minh, tần tảo và cảm thông ra sao. Nghe thì có vẻ hơi giả tạo một chút nhưng hãy chờ đến khi bạn thấy được niềm vui sướng lóe lên trong ánh mắt của họ, bạn sẽ thấy mối quan hệ được cải thiện lên rất nhiều.
Photo by Priscilla Du Preez / Unsplash

Nếu đối phương không sẵn sàng tham gia, hay không hứng thú để bắt đầu thay đổi, bạn nên hỏi bản thân tại sao lại như thế. Cũng giống như đi làm vậy, tập trung phát triển bản thân là thứ tuyệt vời mà bạn nên làm trước. Bạn có thể cân nhắc tìm đến sự hỗ trợ của nhà trị liệu tâm lý hoặc huấn luyện viên cá nhân (personal coach). Sau khi thử mọi cách mà mối quan hệ vẫn không tiến triển theo chiều hướng tích cực, câu hỏi bạn cần trả lời sẽ là: Điều gì khiến bạn còn vấn vương ở lại? Là vì tình yêu hay nỗi sợ hãi?

Gần đây, ngoài nỗi sợ về tài chính, phái nữ còn có một nỗi sợ lớn hơn, đó là thiếu đi tình yêu thương. Đối với nhiều người, độc lập tài chính đồng nghĩa với việc họ có thể đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn hơn để duy trì cuộc sống hôn nhân của mình. Phụ nữ muốn tình yêu, sự công nhận và sự hỗ trợ, từ nơi làm việc đến cả mái ấm của họ. Những công ty không thể đáp ứng được sự mong đợi này sẽ phải chật vật để giữ chân nhân tài nữ, và kết cục là nhiều người trong số đó sẽ thành lập công ty của riêng mình. Hôn nhân cũng vậy, phụ nữ lựa chọn ra đi nếu mối quan hệ của họ không thể trao cho họ thứ họ cần.

Để giữ chân phụ nữ, cho dù ở nhà hay ở văn phòng, cần có kỹ năng và sự thấu hiểu bản thân. Các công ty cần thích nghi và thay đổi văn hóa và bộ máy làm việc. Còn ở nhà, điều này đòi hỏi sự tập trung từ cả 2 phía cho việc phát triển tiềm năng của vợ lẫn chồng, đi kèm với mục tiêu dài hạn của cả gia đình và sự lắng nghe thấu hiểu cho hành trình dài hơi này.

Nguồn: If You Can’t Find a Spouse Who Supports Your Career, Stay Single - Harvard Business Review