Để tiến xa trong những lĩnh vực như công nghệ mà phần đông là nam giới là một điều không dễ dàng với các chị em phụ nữ. Theo thống kê của Hiệp hội Kỹ sư Nữ, chỉ có 13% kỹ sư là phụ nữ và 26% số này là khoa học dữ liệu.  

Để giúp các chị em phụ nữ phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ, VNPN xin tóm tắt kinh nghiệm phát triển nghề nghiệp của ba nữ kỹ sư đang làm việc tại Hinge Health - một trong 10 kỳ lân hàng đầu tại San Francisco trong lĩnh vực Y tế.

Xây dựng mạng lưới (networking)

Chị Amanda Gellhouse - Senior Engineering Manager cho rằng bạn có thể tận dụng mạng lưới (network) sẵn có của mình bao gồm các đồng nghiệp và đối tác. “Tất cả những người cố vấn của tôi đều ở rất gần và tôi nhận ra họ là những người có thể cung cấp những góc nhìn quý giá,” cô nói.

Gellhouse chia sẻ rằng bản thân cô ấy còn học hỏi từ rất nhiều người ở các phòng ban khác nhau để có góc nhìn đã chiều trong công việc.

Gellhouse là ví dụ điển hình cho thấy những mối quan hệ (connection) này sẽ giúp bạn rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân Khoa học máy tính, cô đã ứng tuyển thành công cho một vị trí cố vấn công nghệ cho một tập đoàn lớn qua sự đề cử của người quen.

Chương trình Chương trình Cố vấn Nghề Nghiệp (Career Mentoring) PCAME và HCAME do VNPN tổ chức hàng năm với mục tiêu kết nối các mentee tại Mỹ đến với các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực mà bạn mong muốn tìm hiểu, nhằm làm mạnh hồ sơ xin việc và thương thảo những quyền lợi cạnh tranh nhất sau khi xin được việc. Đừng quên bấm nút theo dõi Facebook Page của VNPN để đăng kí tham gia nhé!

Đừng sợ “thay đổi”

Nếu bạn là một người chỉ mới bắt đầu tìm hiểu và dấn thân vào lĩnh vực Công nghệ sau khi tốt nghiệp đại học hay thậm chí là đã đi làm được vài năm, hãy nhớ rằng “Sẽ không bao giờ lá quá muộn để bắt đầu một lộ trình nghề nghiệp mới!”. Kate Dameron đã từng làm việc trong ngành Nghệ thuật trước khi chuyển sang làm Kỹ sư. Để có thể “chuyển ngành” thành công, Kate đã tham gia một bootcamp và nhận chứng chỉ Fullstack Javascript và phát triển web từ Alchemy Code Lab ở Portland. Cô ấy cũng chia sẻ rằng trong lúc chờ vào năm học mới, cô ấy đã tự học trên mạng những kiến thức liên quan đến công nghệ. Đến thời điểm hiện tại, cô cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và rất thích thú với những trải nghiệm mới mẻ trong hành trình này.

Đăng ký tham dự webinar “How to become a Software Engineer without CS background” của VNPN để lắng nghe kinh nghiệm "chuyển ngành" của hai nữ diễn giả đang làm kỹ sư máy tính tại Microsoft và LinkedIn.

Link đặt câu hỏi cho diễn giả: Tại đây

Hiện nay, có rất nhiều nguồn tài liệu trực tuyến như Free Code Camp, Women Who Code và ChickTech, có thể giúp bạn quyết định xem liệu Kỹ sư là một vị trí mới mà bạn muốn theo đuổi toàn thời gian. Hãy thử, trải nghiệm và khám phá nhé!

Đừng đánh giá thấp bản thân mình

Một báo cáo của LinkedIn cho biết đàn ông chỉ ứng tuyển cho vị trí họ muốn khi họ đáp ứng được 60% yêu cầu của nhà tuyển dụng, còn phụ nữ chỉ quyết định nộp đơn đăng ký khi đáp ứng được 100% yêu cầu.

Gellhouse cho biết cô ấy luôn luôn khích lệ mọi người, đặc biệt là phụ nữ hãy nộp đơn ứng tuyển cho vị trí họ yêu thích dù chỉ đáp ứng được vài chục phần trăm yêu cầu của nhà tuyển dụng, vì bạn có mất gì mà không thử?! Mỗi lần nộp đơn sẽ là một lần để bạn đo lường năng lực và mức độ phù hợp của mình với vị trí đó.

Hãy thoải mái và tự tin nêu quan điểm cá nhân

Có thể bạn chưa biết, năm 2016, các nhân viên nữ trong nhà Trắng đã vùng lên phản đối khi bị các đồng nghiệp nam liên tục ngắt lời. Theo The Washington Post, họ đã áp dụng một chiến lược trong lúc họp có tên là “Khuếch đại” (Amplification). Khi một đồng nghiệp nữ đưa ra một ý kiến quan trọng, những người còn lại sẽ nhắc lại nhằm công nhận và tán dương sự nỗ lực của người kia. Điều này đã buộc những người đàn ông trong khán phòng phải công nhận sự đóng góp của họ và giảm thiểu cơ hội họ tự “nhận vơ” ý tưởng của người khác là của mình. Xu hướng này không chỉ dừng lại ở góc độ chính trị. Trên thực tế, phụ nữ thường bị đánh giá thấp hơn so với đồng nghiệp nam giới khi họ nêu ra quan điểm cá nhân và đóng góp các ý tưởng mới.

Tracy Burge đã gạt bỏ được nỗi sợ phải đưa ý kiến trong các buổi họp tại công ty. Hồi mới làm kỹ sư, cô ấy rất hiếm khi lên tiếng và cảm thấy tự ti khi trình bày quan điểm của mình. Thay vào đó, cô ấy sẽ luôn sẵn lòng chờ ai đó xung phong và chia sẻ trước. Giờ đây, khi đã tiến xa hơn trong sự nghiệp, việc trình bày quan điểm cá nhân không còn là một trở ngại của Tracy nữa. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng cô đã phải luyện tập rất nhiều để trở nên tự tin hơn. Cô chia sẻ rằng: “Bạn sẽ luôn cần phải động viên bản thân mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình nhiều nhất có thể. Còn nếu như bạn cảm thấy thật tồi tệ khi nói ra điều đó, cô khuyên nên tìm việc ở những công ty có các chương trình cố vấn tốt (mentorship).

Nếu bạn đang ở vai trò quản lý, hãy hỗ trợ những đồng nghiệp cấp dưới bằng cách hỏi quan điểm cá nhân và đánh giá của họ về vấn đề mà mọi người đang bàn luận. Đồng thời, hãy khuyến khích nhân viên đưa ra quan điểm và sáng kiến.

Tạo giới hạn trong công việc

Đối với bất cứ công việc nào - không chỉ riêng khối ngành Kỹ sư, việc cố gắng duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống (đặc biệt là khi xu hướng làm việc tại nhà đang diễn ra) là một điều hết sức quan trọng. Gellhouse chia sẻ hồi còn làm ở vị trí cũ, khi cảm thấy “quá tải”, cô ấy đã yêu cầu sếp cho làm việc ở các khung giờ linh hoạt và giảm bớt thời gian làm việc đi.

Nếu bạn không thể thay đổi lịch trình làm việc của mình, hãy thử một số cách mà bạn có kiểm soát được, ví dụ như xóa ứng dụng Gmail và Slack khỏi điện thoại của mình. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc công việc của một ngày, đừng mở lại laptop của bạn cho tới sáng hôm sau.

Việc tạo giới hạn thời gian làm việc cũng quan trọng không kém. Cô ấy chia sẻ một lời khuyên hữu ích mà cô ấy có được từ mentor của mình là hãy thoải mái với việc khiến mọi người phải chờ đợi (tất nhiên là phải có giới hạn và điều kiện cho phép).

“Bất kể ai ghé qua bàn làm việc của bạn và hỏi bạn có thể dành một chút thời gian cho họ không, hãy nói với họ rằng bạn sẽ liên hệ lại với họ sau 10 phút nữa hoặc vào ngày mai. Tốt hơn hết, hãy hỏi xem liệu một cuộc gặp mặt nhanh tầm 15 phút có ổn không? Mục đích ở đây là giúp bạn không phải đặt mình vào vị trí phải đáp ứng mọi yêu cầu của người khác, mà thay vào đó bạn tạo ra ranh giới rõ ràng hơn trong cách bạn làm việc. Bạn và thời gian của bạn cần được tôn trọng.

Nhận lời nhận xét từ người khác

“Feedback is a gift” - một câu nói thường được nhắc đến trong các buổi huấn luyện nghề nghiệp. Nhận phản hồi và nhận xét từ sếp hoặc cố vấn thường không dễ chịu chút nào, tuy nhiên điều này sẽ giúp bạn cải thiện rất nhiều và tiến gần hơn với mục tiêu của riêng mình.

Theo Gellhouse, việc có được những nhận xét chân thành và rõ ràng là hai trong số những yếu tố quan trọng nhất khi bạn cần nhận đánh giá hay nhận xét từ ai đó. “Tôi liên tục lấy ý kiến phản hồi từ những người mà tôi nghĩ có thể giúp tôi khắc phục những điểm yếu của bản thân để có thể tiếp tục cải thiện hơn,” cô nói.

Không ngừng học hỏi

Không ngừng học hỏi là một tố chất không thể thiếu trong bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt là đối với những ngành có tốc độ thay đổi chóng mặt như Công nghệ. Đó là lí do vì sao bạn nên tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển chuyên môn để liên tục trau dồi kiến thức và kỹ năng. Bạn có thể tìm kiếm những khóa học và tài liệu hoàn toàn miễn phí hoặc có phí ở mức giá phải chăng qua những trang như General Assembly, Makers Academy, and Skillcrush.

Hy vọng bài chia sẻ lần này của VNPN đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin và gợi ý bổ ích trong việc tiến xa hơn trong ngành công nghệ, đặc biệt là với phái nữ.

Nguồn: How to Succeed as a Woman in Tech? - The Muse