Con đường tìm việc của mỗi người đều có những gian nan riêng, những câu chuyện dở khóc dở cười, và những phút giây đáng nhớ. Câu chuyện sau đây là quá trình tìm việc của bạn Hường Đào, sinh viên trường Mercyhurst University, nay là Accounting Manager tại Rally Rd.

Chào Hường, bạn có thể kể về internship đầu tiên của bạn được không?

Mình tìm thực tập (internship) khá sớm. Internship đầu tiên của mình là trong năm 2, ở quê và không được trả lương. Mình thì không biết lái xe và cũng không có tiền mua xe. Lúc đầu mình mượn xe đạp của một chị cùng trường và đạp đi làm hàng ngày, nhưng về sau thì phải đổi sang đi xe buýt, hè năm đấy mình rất cơ bắp. :D

Vậy là ngay từ khi đi học ở một trường ở vùng nông thôn, bạn đã mong muốn tìm việc làm ở thành phố?

Mình học trường Mercyhurst University ở Eerie, Pennsylvania. Mình nghĩ các bạn nên cân nhắc kĩ trước khi quyết định chọn trường học ở những vùng xa trung tâm như vậy. Trường mình mỗi năm có khoảng 10 người Việt trong Department of Finance and Accounting, trong nhiều năm gần đây theo mình biết thì chỉ có một chị là tìm việc ở Mỹ thành công. Ước mơ của mình là được làm việc ở một trong các công ty Big Four*

(*) Nhóm  4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới: EY, Deloitte, PwC, KPMG - người phỏng vấn.

Vậy bạn đã vượt qua những khó khăn và tìm công việc ở thành phố lớn như thế nào?

Cả department của mình chỉ có một bác alumni đang làm việc ở New York City thành công, và mỗi năm bác ấy về trường để cho đúng một slot intern ở công ty bác ấy đang làm việc. Hồi năm 2 thực ra mình cũng đã apply cho vị trí đó rồi nhưng mình trượt. Lần này mình quyết định nộp hồ sơ lại và nhờ chị Phương - người đã cho mình xe đạp - sửa resume giúp. Lần đó trong số các sinh viên Việt Nam, mình là người duy nhất may mắn được vào vòng phỏng vấn.
Tối trước hôm phỏng vấn, mình lại nhờ chị Phương làm phỏng vấn thử (mock interview). Chị Phương không am hiểu về ngành accounting, nhưng chị ấy giúp mình tìm trên Google 50 câu hỏi phỏng vấn accounting, vào link đầu tiên, và hỏi mình 3 câu đầu tiên. Ngày hôm sau, trong buổi phỏng vấn thật, mình được hỏi đúng 3 câu đấy. Và thế là 2 tháng sau mình nhận được offer. Hè năm đấy mình lên New York thực tập ở Internal Audit Department, Time Warner Cable.

Từ Time Warner Cable, bạn đã làm cách nào để được nhận vào EY?

Ở department của mình ở Time Warner Cable (TWC) cũng có rất nhiều người từng là manager từ Big 4 về. Lúc đi làm mình cố gắng tiếp cận với các bác ở đấy, mỗi hôm lại hẹn một người đi ăn trưa. Mọi người đều khuyên mình nên cố gắng vào Big 4, nhưng đến khi mình hỏi là có thể refer mình được không, thì họ đều nói là họ rời Big 4 lâu quá rồi, và ngày xưa làm ở Big 4 vị trí cũng không quá cao. Nhiều người trong công ty nói với mình là bác alumi, Senior VP ở TWC - người mà đã giới thiệu mình vào TWC có rất nhiều bạn bè đang là partner ở Big 4.
Lúc đấy mình lo lắng lắm, nên đi ăn với ai mình cũng hỏi là làm thế nào để nói chuyện với bác ấy. Mọi người hướng dẫn mình cách đặt lịch gặp bác ấy thế nào, nên hỏi cái gì và liệu bác ấy có thể cho mình thông tin nội bộ gì. Từ đó trở đi, mình coi mỗi bữa ăn trưa là một lần tập dượt cho buổi hẹn gặp nói chuyện với bác ấy. Đến hôm gặp thật, mình cũng vẫn nghĩ cơ hội được refer là rất thấp, chắc sẽ không được đâu, chỉ hỏi thử thôi. Thế nhưng bác ấy rất thân thiện và chia sẻ rất nhiều về trường cũ. Đến cuối buổi hẹn, mình rón rén hỏi là “Cháu có ước mơ vào Big 4, và mọi người cũng ủng hộ cháu nên vào Big 4, bác có thể refer cháu được không?” thì bác ý cười rất hồn hậu và nói: “I'd be happy to!”.

Thế hoá ra việc nhờ người khác refer cũng không đáng sợ như bạn tưởng đúng không?

Đúng rồi, mình cũng tưởng là những người làm ở những vị trí cao như thế thì sẽ không để ý, nhưng mà cuối cùng bác ý rất quan tâm và lại còn follow up email rất cẩn thận nữa. Mình được giới thiệu đến cả 4 công ty trong Big 4 nhưng PwC lúc đó không tuyển sinh viên quốc tế nữa, mình cũng trượt KPMG và Deloitte và cuối cùng thì mình được nhận vào EY .
Lúc đấy dù mình đã tốt nghiệp rồi nhưng vẫn được giới thiệu vào vị trí thực tập hè (summer intern) chứ không phải theo quy trình tuyển những người vốn sẵn kinh nghiệm, như vậy ít cạnh tranh hơn. Sau khi thực tập xong mình sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức, mình thực tập ở EY trong vòng 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8. Nhưng đến tháng 8 mình mới biết là mình không đủ tín chỉ (credit) để thi CPA, nên theo firm policy thì mình sẽ không thể tiếp tục làm toàn thời gian (full time) tại đây ngay đươc. OPT thì trong 90 ngày phải tìm được việc, không tìm được thì lại phải đi về. Vậy là trong tháng 8 mình lại tiếp tục đi xin việc.

Sau khi tưởng như đã chắc chắn có full-time offer, bạn lại tiếp tục tìm việc lại từ đầu, bạn đã làm như thế nào?

Lúc đấy mỗi ngày mình gửi 10-15 cái resumes, 7 ngày/tuần, trong cả tháng 8. Sau đó thì mình nhận được khoảng hơn 10 cuộc phỏng vấn và sau đó là khoảng 5 thông báo có việc (offer) nghiêm túc. Mỗi lần đi phỏng vấn ở đâu mình cũng ghi chép lại các câu hỏi phỏng vấn, và viết lại reflection.

Sau khi cân nhắc, suy nghĩ, mình thấy công việc ở 4 công ty mình được nhận offer có vẻ khá chán và lặp đi lặp lại, mình thấy mình sẽ không học được nhiều. Công ty thứ 5 là một startup tên là Rally Road. Vì là startup nên công ty chưa có nhiều quy trình, mình phải ngồi làm việc với CFO để tạo ra các quy trình đó. Mình thấy công việc đó hay và nhiều thách thức, cơ hội học hỏi nên mình đã nhận.

Bạn có thể chia sẻ một ngày của bạn khi phải vừa đi làm, vừa đi học để đủ tín chỉ đi thi CPA không?

Hiện tại, mình làm việc 40h/tuần ở Finance Department của Rally Road. Mình còn thiếu gần 20 credits để đủ thi CPA, nên mình phải chia làm 2 học kỳ. Mỗi ngày mình rời công ty lúc 7h, về đến nhà là hơn 8h, ăn uống & chuẩn bị meal prep cho hôm sau xong đến khoảng 9h30 tối thì bắt đầu ngồi vào bàn học khoảng 3 tiếng. Với các môn khó hơn thì mình học cả cuối tuần nữa.

Cảm ơn Hường đã trò chuyện với VNPN, chúc bạn may mắn với cả việc đi học và đi làm nhé!

Nếu bạn cũng muốn đóng góp câu chuyện của mình, hay biết ai đó có một câu chuyện tìm việc truyền cảm hứng tương tự, hãy gửi email cho VNPN tại career.vnpn@gmail.com nhé!

Bài: Hoàng Phong

Chỉnh sửa: Hoàng Phong, Khánh Hoà

VNPN Marketing & Community Relations Team