💡 Bạn muốn:

  • Xây dựng một LinkedIn Profile thật hoành tráng?
  • Tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng với hồ sơ của mình?

❓ Nhưng bạn chưa biết:

  • Làm thế nào có thể bắt đầu tạo dựng mối quan hệ online mang lại win-win cho các bên?
  • Duy trì và phát triển mối quan hệ đến mức độ nào để được ai đó giới thiệu cho mình một công việc như ý?
  • Hay đơn giản, thêm bạn thêm bè như thế nào để có thêm niềm vui trong cuộc sống?

➡️ Webinar tháng 10 đã cùng với hai chuyên gia đến từ CORELOGIC và U.S BANK tìm hiểu chủ đề Virtual Networking. Hãy cùng VNPN ghi nhận những điều chúng mình đã học hỏi được từ hai vị khách mời lão luyện này nhé!

1. QUÉT RESUME QUA HỆ THỐNG

Q: Làm sao để vượt qua vòng quét resume, đặc biệt khi việc này thường được thực hiện bởi hệ thống tự động?

  • Cô đọng trong một trang giấy
  • Điều chỉnh theo yêu cầu của nhà tuyển dụng (3 - 4 dòng đầu tóm lược kinh nghiệm bản thân và 3 - 4 cụm quan trọng được liệt kê trong JD)

💡 Kiểm tra trước khi gửi qua các phần mềm online chấm mức phù hợp giữa Resume của bản thân và JD.

Q: Nên cân đối số lượng Resume gửi đi ra sao?

Chiến lược gửi ít hay nhiều Resume cùng lúc phụ thuộc vào việc:

  • Bạn đã biết mình cần điều gì (chủ quan)
  • Bộ phận HR ở các công ty có cùng chung với nhau hay thuộc các nhóm sản phẩm lớn khác nhau (khách quan)

💡 Ngoài việc định hướng được công việc mình muốn làm cũng như xác định được công ty mình thích, hãy xem đây là cơ hội luyện tập kỹ năng phỏng vấn thông qua việc chuẩn bị bản thân tốt nhất trước bất kỳ câu hỏi nào.

2. THỜI ĐIỂM CHỜ THÔNG BÁO KẾT QUẢ

Q: Nên làm gì để thời gian chờ đợi kết quả được sử dụng hiệu quả?

  • Đối với các công ty bạn thích ở mức vừa phải, hãy bắt đầu tìm hiểu về công ty ngay sau khi nhận được thư mời phỏng vấn. Trong thời gian này, bạn vẫn có thể tiếp tục ‘rải' Resume.
  • Đối với công ty bạn rất thích, hãy tìm hiểu thật kỹ các thông tin về công ty, tìm cách tiếp cận với những người cùng vị trí / bộ phận / ngành nghề đã hoặc đang làm chính công ty đó để trả lời được câu hỏi “WHY ME?” - “Vì sao chọn bạn?.

Q: Đâu là các nguồn hiệu quả để nắm được thông tin khách quan về công ty?

  • Theo dõi Earning calls: Điều này giúp bạn nắm được báo cáo hiện tại và chiến lược trong tương lai của công ty - là nguồn những thông tin chính thức từ các lãnh đạo cấp cao.
  • Tra cứu phân tích tình hình chứng khoán: Khi đọc các thông tin mới và bài phân tích từ chuyên gia, bạn sẽ nắm được tiềm năng đầu tư, uy tín của cấp lãnh đạo cũng như lĩnh vực công ty cần cải thiện.
  • Youtube/Podcast/LinkedIn: Với cụm từ khóa đơn giản, hãy tìm các video/radio chia sẻ về xu hướng phát triển của thị trường nói chung và của công ty nói riêng từ những người quản lý.

Q: Số lượng và cách thức tiếp cận với những người liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển?

💡 Hãy chủ động tìm hiểu trước và trao đổi với ít nhất 20 người, bắt đầu câu chuyện bằng những điểm chung (sở thích, mối quan tâm...) giữa bạn và người đó.

  • LinkedIn là một trong những kênh hiệu quả trong việc xây dựng các mối quan hệ công việc, hay khi bạn chưa hề có kết nối nào với họ trước đây. Hãy chuẩn bị kỹ câu hỏi liên quan đến điều họ quan tâm và liên quan tới điều mình hướng tới. Nếu có bạn chung, hãy tận dụng để kết nối với họ thông qua Facebook nữa nhé!
  • Hãy tự cảm nhận về thời điểm người đó sẵn sàng refer công việc cho bạn, bởi điều này tùy thuộc vào sự hợp nhau giữa hai người cũng như tính cách của người đó. Bạn có thể thử qua việc tự nhiên chia sẻ câu chuyện và hỏi ý kiến (thay vì nói thẳng) rằng mình có ứng tuyển công việc X, liệu người đó thấy đã phù hợp chưa, có gợi ý bổ sung thêm kỹ năng hay kiến thức gì không…
  • Ngoài người quản lý tuyển dụng, bạn có thể tiếp xúc với các thành viên trong nhóm HR, cổ đông công ty, đối tác hay các nhân viên cũ để có được thêm thông tin về vị trí, lĩnh vực và ngành nghề.
  • Nếu cảm thấy mình nhỡ tạo ra ấn tượng không tốt, bạn đừng vội dằn vặt mình mà hãy mạnh dạn chia sẻ thẳng thắn điều bạn làm chưa tốt và thực lòng mong muốn học hỏi từ việc này từ họ. Một câu hỏi mở xin ý kiến của họ sẽ là cách rất tốt để hướng tới sự tích cực và hài hoà giữa hai bên.

Q: Cần chuẩn bị profile LinkedIn của mình ra sao, nhất là khi bạn chuyển ngành và là sinh viên quốc tế?

💡 LinkedIn là nền tảng hiệu quả nhất mà các nhà tuyển dụng thường xuyên sử dụng để tìm kiếm các ứng viên tiềm năng cho công ty. Hãy cập nhật LinkedIn thường xuyên và nhất quán với Resume để tăng tỉ lệ liên hệ.

💡 Để dễ xuất hiện trong phần tìm kiếm của nhà tuyển dụng, bạn có thể:

  • Thêm các từ khóa liên quan đến vị trí ứng tuyển cũng như kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân trong dòng mô tả ngắn trên LinkedIn.
  • Đối với các bạn chuyển ngành: Tranh thủ học thêm và lấy chứng chỉ từ các khóa liên quan tới vị trí ứng tuyển (Hãy tham khảo 10 người có vị trí tương đương để biết khóa học phù hợp).
  • Chau chuốt phần Skills & Endorsements: Gồm các đánh giá khách quan từ bạn bè cũng như kết quả bài quiz trên LinkedIn.

Q: Nên làm gì nếu người mình liên hệ không trả lời?

  • Tỉ lệ số người trả lời bạn thường là 2/10 (20% số người bạn liên hệ có khả năng phản hồi trở lại).
  • Sau lần đầu, hãy chờ 01 tuần cho lần liên hệ thứ hai. Sau đó, hãy chờ 2 - 3 tuần cho lần thứ ba. Nếu lần thứ ba không nhận được phản hồi, hãy cân nhắc vị trí công việc khác hoặc hỏi thông qua bạn chung để biết vì sao họ không phản hồi.
  • Theo dõi phản hồi của nhà tuyển dụng qua mail với http://mailscoop.io/.

(Tham khảo từ cuốn The 2-Hour Job Search: Using Technology to Get the Right Job Faster)

Do mỗi nhà tuyển dụng có một cảm nhận và tiêu chí cá nhân riêng về vị trí tuyển dụng (số năm kinh nghiệm, mức cam kết khi chuyển ngành, yếu tố sinh viên quốc tế...), có khả năng những gì bạn đó chưa phải những gì họ cần. Hãy tìm đến những người trong công ty đó để chia sẻ quá trình apply, tìm hiểu người quản lý và các thành viên trong team HR. Hãy thật kiên trì dù tỉ lệ phản hồi thường không quá cao (khoảng 50%) để tăng cơ hội được refer cũng như hoàn thiện câu chuyện “Why me?” của bản thân.

Q: Sau khi tìm hiểu xong, bạn nên xử lý các thông tin ra sao?

Thông tin giúp bạn hiểu công ty hiện tập trung vào mảng nào, từ đó có định hướng về vai trò cũng như giải pháp đề xuất trong bức tranh toàn cảnh. Thay vì nói các điểm công ty làm chưa tốt, hãy đề xuất giải pháp bạn có để nhà tuyển dụng biết bạn hiểu định hướng hiện tại của công ty, cũng như là ứng viên chủ động và sẵn sàng với công việc sắp tới.

Q: Sau bao lâu bạn có thể tìm được công việc mong muốn?

💡 Tối thiểu 06 tháng là khoảng thời gian có được công việc mong muốn, đặc biệt trong thời điểm COVID. Thời gian có thể dài hơn nếu ưu tiên của công ty lúc này không phải tuyển dụng.

💡 Để rút ngắn khoảng thời gian này, hãy trang bị cho mình 1 - 2 kinh nghiệm thực tập mỗi năm từ khi đi học. Trong trường hợp chưa có kinh nghiệm từ trước, hãy sử dụng 6 - 8 tháng trong công việc đầu tiên để học hỏi kiến thức và kỹ năng cần thiết cho định hướng bạn mong muốn theo đuổi.

3. BẮT ĐẦU PHỎNG VẤN

Q: Cần chuẩn bị ra sao?

Một số yếu tố tăng khả năng vượt qua vòng phỏng vấn:

  • Hiểu rõ công ty đang cần gì
  • Chia sẻ, trao đổi tập trung, đúng, đủ, không dài dòng, chung chung
  • Hiểu “pain point”, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp


💡 Về dạng câu hỏi:

02 dạng câu hỏi chính: Câu hỏi Hành vi (“Why me?”, “Tell me about a time you X?”...)Câu hỏi Tư duy (Giải toán trong quy mô doanh nghiệp - đối với các vị trí Kỹ thuật, Lập trình...; hoặc giải tình huống - đối với các vị trí liên quan tới Business, Marketing…).

💡 Về người phỏng vấn:

Hãy tìm hiểu format buổi phỏng vấn: Số người tham gia, dạng câu hỏi, thông tin người phỏng vấn (nền tảng, chuyên môn, xu hướng đưa ra giải pháp…), từ đó dự đoán các chủ đề có thể có trong buổi nói chuyện và trang bị các kiến thức liên quan. Để nổi bật với các ứng viên khác, hãy coi đây như một buổi họp team và mạnh dạn đề xuất giải pháp cho vấn đề công ty đang có.

Q: Điểm giống và khác nhau giữa phỏng vấn trực tiếp và online?

Khi chuẩn bị, cả hai đều cần tìm hiểu về công ty và nhân sự, cũng như đặt mình vào vai trò nhân sự chính thức để đề xuất giải pháp. Tuy nhiên, phỏng vấn online có hai điểm khó khăn hơn:

  • Thiếu giao tiếp bằng ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể
  • Các vấn đề về kỹ thuật

Để khắc phục những điều này, bạn có thể:

  • Tóm tắt mỗi câu trả lời trong 02 phút, mỗi câu liệt kê 03 ý chính, phân tích từng ý, sau đó tổng kết ngắn gọn
  • Đặt các cụm từ cần thiết lên tường phía sau để đảm bảo mình chia sẻ đủ thông tin
  • Chuẩn bị trang phục và không khí chỉn chu để tạo cảm giác nghiêm túc
  • Hạn chế các yếu tố khách quan (tạp âm, vấn đề kỹ thuật…)

4. FOLLOW UP SAU PHỎNG VẤN

Q: Khi networking với nhiều người cùng lúc, làm sao để tránh việc “nhầm lẫn” mọi người với nhau?

Hãy ghi chép đặc điểm, lời khuyên của từng người, và phản hồi về những việc bạn đã làm để đạt mục tiêu đó, ảnh hưởng của lời khuyên, những bài học rút ra và dự định trong tương lai sau 01 tháng. Hãy kết thúc bằng một câu hỏi để kéo dài cuộc nói chuyện.

Q: Chương trình Vòng Tay Nước Mỹ 8 - khác so với mọi năm - sẽ diễn ra trên nền tảng online. Làm sao để sử dụng hiệu quả thời gian cho việc kết nối với các diễn giả?

Hãy tìm hiểu 5 - 10 diễn giả và chủ động kết nối với họ trước khi chương trình bắt đầu. Sau đó hãy chia sẻ để học hỏi lời khuyên từ họ trong công việc và quyết định tiếp theo, hoặc khéo léo nhờ tới sự hỗ trợ của họ bằng cách gửi Resume tới công ty bạn mong muốn - là công ty họ đang làm việc, và chia sẻ điều đó với họ. Ngoài ra, chủ động đặt câu hỏi trong chương trình cũng giúp bạn kết nối với diễn giả tốt hơn.

Q: Làm sao để networking cho công việc mình không có kinh nghiệm?

Chuyển đổi ngành là điều diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, để networking hiệu quả, đối với 02 nhóm ngành (Kỹ thuật và Kinh doanh - Kinh tế), hãy học hỏi những kỹ năng cần thiết trong bất cứ công việc nào như Giao tiếp liên phòng ban (Cross functional communication), Giải quyết vấn đề dựa trên phân tích dữ liệu (Data driven problem solving)...

Trong trường hợp cảm thấy mình chưa đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, bạn có thể:

  • Nói chuyện với nhiều người trong lĩnh vực để biết kiến thức và kỹ năng cần thiết, sau đó học các khóa online
  • Đẩy  nhanh tiến độ học để thể hiện khả năng học hỏi nhanh nhạy
  • Chủ động phân tích và gợi ý giải pháp ngắn gọn cho từng pain point của công ty, cũng như cởi mở đón nhận góp ý
  • Tham gia các dự án, thực tập (không lương), cuộc thi giải tình huống trong doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp…

Hãy nhớ rằng kinh nghiệm làm việc không phải cách duy nhất để thể hiện bản thân mình.