Sự nghiệp và gia đình là hai ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Để có thể vừa phát triển sự nghiệp và làm công việc mình yêu thích, vừa có thời gian cho người bạn đời, chăm sóc và nuôi dạy con cái thực sự là một bài toán khó, thậm chí là một thách thức, nhất là đối với phụ nữ.
Bài toán này càng khó hơn đối với phụ nữ sống ở Mỹ, rất khó có được sự hỗ trợ từ người thân hầu hết vẫn ở Việt Nam. Không chỉ có vậy, phụ nữ Việt Nam ở Mỹ còn gặp phải những khó khăn đặc thù khi là người nhập cư.


Webinar tháng 3 có sự góp mặt của host và các khách mời:

Chị Trần Diệu Huyền, điều phối chương trình
Chị Lan Triệu, diễn giả
Chị Ngân Lê, diễn giả
Chị Amy Tú Nguyễn, diễn giả


Lựa chọn tới nước Mỹ


Chị Tú đã từng tới Mỹ cách đây 10 năm theo chương trình “Lãnh đạo nhân sự của tập đoàn HP”. Dù chỉ sống ở Mỹ 6 tháng nhưng chị đã rất ấn tượng về một mảnh đất màu mỡ của những cơ hội và phát triển các tài năng. Sau đó chị Tú đã ổn định cuộc sống và công việc tại Singapore. Nhưng cơ duyên đã đưa chị trở lại Mỹ một lần nữa khi chồng chị được công ty cử sang Mỹ làm việc. Vợ chồng chị đa đắn đo rất nhiều khi anh chị đã mua nhà, cho con học trường công và có cuộc sống ổn định ở Singapore. Một lần, mẹ chồng chị Tú đã nói với chị rằng “mẹ tưởng tới Mỹ là giấc mơ của các con”, điều đó đã làm chị Tú nhớ lại ước mơ của mình và chị quyết định tới Mỹ.
Cũng như chị Tú, gia đình chị Lan cũng từ Singapore chuyển tới Mỹ. Cuộc sống ở Mỹ của chị khác biệt rất nhiều so với khi chị ở Singapore. Khi ở Sing, chị rất bận rộn với công việc ở Unilever. Khi tới Mỹ ở nhà làm mẹ toàn thời gian, dành nhiều thời gian cho gia đình và bé trai 6 tuổi. Ở Mỹ, chị Lan phải chủ động với cuộc sống của mình nhiều hơn khi không có người giúp việc , cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không bị guồng quay của công việc cuốn đi mất. Việc học của con trai chị cũng không bị áp lực nặng nên gia đình có nhiều thời gian để ở bên nhau, tham gia các hoạt động ngoài trời, khám phá cuộc sống hay có những chuyến đi xa.
Chị Ngân tới Mỹ khi chị nhận được giấy báo học của Carnegie Mellon University khi chị đang học Tiến sĩ được 1 năm rưỡi tại Montreal, Canada. Sau một khoảng thời gian đắn đo suy nghĩ, đồng thời nhận được sự ủng hộ tới của giáo sư, chị Ngân cùng chồng đã cùng đặt chân tới Mỹ. Sau khi tốt nghiệp tại Carnegie Mellon University, gia đình chị Ngân chuyển tới Fayetteville, Arkansas, một thành phố bình yên với không khí trong lành ở miền Trung nước Mỹ.  


Phụ nữ Việt Nam sống ở Mỹ, làm thế nào để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp?
Cả chị Ngân và chồng đều là giáo sư ở trường đại học nên công việc rất bận rộn. Khoảng thời gian sau khi chị vừa sinh em bé, vừa chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ, vừa làm tư vấn cho một công ty, gia đình đã khiến chị thực sự rơi vào khủng hoảng. Chồng chị và chị đều vừa mới tốt nghiệp Tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp nên thực sự bận rộn. Tuy nhiên sau khi cùng ngồi xuống và tìm giải pháp, gia đình chị giờ cũng đã tạm ổn định hơn. Chồng chị cũng hỗ trợ chị chăm sóc con cái. Chị Ngân cũng thường làm việc sau khi các bé nhà chị đã đi ngủ. Chị hy vọng rằng khi các bé lớn hơn thì cuộc sống và công việc của chị sẽ được cân bằng hơn.
Khi mới sang Mỹ, chị Lan đã có khoảng thời gian ở nhà. Sau 9 năm đi làm, chị cảm thấy rất vui vì đây dường như là một kỳ nghỉ với chị. Thời gian đầu, chị dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc sống ở Mỹ, học lái xe, tham gia các hoạt động cộng đồng, các hoạt động với con cái. Trong 6 tháng đầu, chị và gia đình đã thử nghiệm rất nhiều hoạt động để tìm được lịch sinh hoạt phù hợp cho cả gia đình. Chồng chị cũng chia sẻ công việc chăm sóc con cái với chị rất nhiều. Tuy nhiên có những lúc, chị Lan cũng cảm thấy hơi buồn khi cuộc sống ở Mỹ đắt đỏ nhưng chỉ có thu nhập của chị trang trải cuộc sống, gia đình ở Việt Nam lo lắng chị bị phụ thuộc vào chồng,... Nhưng may mắn là chị Lan luôn hiểu mong muốn của mình, hiểu được lý do tại sao chị lại làm như vậy nên chị bớt bị áp lực tâm lý.
6 tháng đầu tới Mỹ, chị Tú cũng ở nhà trong lúc chờ EDA. Nhiều người khi nhìn vào thì nghĩ chị ở nhà thì rất rảnh rỗi, nhưng sự thực là chị đang đặt nền móng cho những dự án trong tương lai của mình đồng thời đóng góp rất nhiều cho cộng đồng khi áp dụng brain based coaching. Chị Tú tin rằng, khi phụ nữ có thể phát triển sự nghiệp cảm thấy hạnh phúc trong sự nghiệp sẽ là trụ vững để người phụ nữ lan tỏa hạnh phúc của mình tới chồng và con, quan hệ vợ chồng sẽ tốt lên và cách dạy con cũng thoải mái hơn. Phương pháp coaching của chị Tú không giúp phụ nữ tìm một công việc mà xây dựng sự nghiệp một cách chiến lược. Trong gia đình, để có được sự bình đẳng giới cũng như cân bằng trong cuộc sống thì cách nói chuyện, ngôn ngữ rất quan trọng. Phụ nữ phải dũng cảm nói ra nhưng một cách thật khéo léo để đối phương có thể hiểu và ủng hộ mình. Chị Tú cũng chia sẻ rất nhiều câu chuyện trên “Nhật ký làm mẹ” mà mọi người có thể tham khảo.


Các diễn giả cũng giúp trả lời một số câu hỏi mà khán giả chương trình gửi về. VNPN xin tổng hợp một số câu hỏi nổi bật:


​Các chị có thể chia sẻ lịch trình một ngày làm việc của mình không? Và theo chị đâu là động lực giúp các chị vượt qua những lúc cực kỳ căng thẳng.

Chị Ngân: Lịch trình của gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào hai đứa trẻ. Thường con chị thức dậy vào khoảng 8-9h sáng, sau đó chị cho các bé ăn sáng tới 9-10h rồi sau đó chị mới có thể tới văn phòng. Chính vì thế chị thường sắp xếp tiết dạy vào buổi chiều. Chị kết thúc ngày làm việc lúc 5 giờ chiều, sau đó chị và chồng cùng nhau sinh hoạt với con cái vào buổi tối. Sau khi các bé đi ngủ lúc 9h tối thì chị lại tiếp tục làm việc tới 2-3h sáng. Tuy nhiên, vì con chị còn nhỏ nên chị vẫn thức dậy lúc 5h sáng để cho bé ăn sữa.
Chị rất ít khi nào chia sẻ với gia đình ở Việt Nam về những áp lực của chị vì không muốn mọi người lo lắng. Chị cũng từng đi gặp bác sĩ tâm lý nhưng họ cũng chỉ lắng nghe mình là chính cũng không đưa ra được nhiều lời khuyên. Chị quyết định chia sẻ với chồng thay vì một mình gồng gánh, hi sinh mọi việc. Khi chia sẻ như vậy thì chị cảm thấy giải tỏa áp lực của bản thân nhiều hơn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn. Hiện tại, chị có thuê người giúp việc, một ngày vài tiếng, chủ yếu để hỗ trợ chị việc dọn dẹp.


​Em vừa nhận được full-time offer của Big 4 sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ. Em hiện vẫn chưa lập gia đình, nhưng em cũng muốn biết em có thể làm gì để cân bằng hơn trong môi trường làm việc áp lực và đầy cạnh tranh như vậy.


Chị Lan: Công ty dù có chế độ tốt thì công việc cũng phụ thuộc rất nhiều vào người sếp của mình. Chị Lan tin rằng “You teach people they way they treat you”, nghĩa là mình phải giúp người ta đối xử với mình tốt. Chị lấy ví dụ là nếu như cuối tuần mà sếp gửi email cho mình, mình trả lời ngay thì cuộc đối thoại sẽ tiếp tục và mình sẽ bị cuốn vào đó. Nhưng nếu mình không trả lời ngay thì cũng là cách ra tín hiệu để cho sếp biết mình không làm việc vào cuối tuần.Khi mình mới đi làm, mình cần phải quan sát xem những người trong công ty cũng có gia đình họ hành xử như thế nào để hiểu được văn hóa công ty và sếp của mình. Trong khoảng thời gian này, chị cũng thuê babysitter để đưa đón con trong các hoạt động hàng ngày, và bù cho con vào các hoạt động khác như đến lớp con làm tình nguyện vào thứ 6. Thì mình hài hòa giữa các điểm cộng để bù vào các điểm trừ của mình.