Cùng là 2 cường quốc nằm ở Bắc Mỹ và là 2 nước láng giềng, trải nghiệm sống và làm việc ở hai quốc gia này liệu sẽ khác nhau ra sao? Giấc mơ Mỹ, hay vùng đất thân thiện Canada, cảm nhận thật sự của mỗi người ở 2 đất nước này như thế nào?

Webinar tháng 2 do VNPN tổ chức với chủ đề "Góc nhìn, kinh nghiệm làm việc ở Mỹ và Canada" đã chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm từ các khách mời đã có cơ hội trải nghiệm sống và làm việc ở 2 vùng đất nước, Mỹ và Canada. Hi vọng sẽ giúp ích cho những bạn đang ở Mỹ có thêm những thông tin hiểu biết về đất nước láng giềng Canada, đồng thời những bạn đang ở Canada đang hướng về làm việc bên Mỹ sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn.

Webinar tháng 2 này có sự góp mặt của các khách mời:
Chị Đinh Nhật Hà là Senior Analyst tại Unbounce,công ty cung cấp landing page hàng đầu cho các Marketer tại Vancouver, Canada. Chị Hà trước đây đã học Bachelor ngành Marketing và Business Economics tại University of Cincinati, từng làm việc tại các công ty Marketing Agency và  Ecommerce tại Mỹ
Chị Nguyễn Xuân Ngọc, đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thuế, kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp tại Canada. Hiện chị vẫn tiếp tục trong ngành kế toán tại công ty Amazon, Seattle
Anh Nguyễn Đức Giang từng làm postdoc tại Mỹ và hiện đã sang University of British Columbia làm postdoc lần thứ hai trong lĩnh vực Vật Lý và Vật Lý thử nghiệm

Từ Mỹ tới Canada, từ Canada qua Mỹ

Chị Hà có chia sẻ là sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, chị nhận thấy rằng sự cạnh tranh trong ngành Marketing tại Mỹ của thực rất lớn, là một thử thách đối với du học sinh so với các bạn bản xứkhi mà mình không hiểu văn hóa Mỹ bằng các bạn bản xứ và nếu muốn tiếp tục ngành Marketing Analysis thì chưa đủ kinh nghiệm. Chính vì vậy chị quyết định tiếp tục học Master tại University of British Columbia.

Đối với chị Ngọc thì làm việc tại Bắc Mỹ như một cái duyên. Sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại Thương, chị theo chương trình làm việc của Unilever, sau đó có cơ hội làm việc tại Canada thì chị đã thử đăng ký với tâm lý vô cùng thoải mái, và không ngờ là mình đã được nhận. Tuy nhiên, khối lượng công việc khi làm ở Canada lên tới 13-14 giờ/ ngày khiến chị cảm thấy cuộc sống và công việc của mình bị mất cân bằng. Chị đã quyết định gap year 1 năm và tới với đất nước láng giềng Hoa Kỳ.

Là một nghiên cứu sinh tốt nghiệp đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, con đường tới Bắc Mỹ của anh Giang có phần khác biệt với hai khách mời còn lại. Anh đã dành được học bổng VEF, được hỗ toàn bộ các chi phí để du học tại University of California, Berkeley. Sau đó anh thấy rằng cơ hội về ngành học của anh tại Việt Nam chưa có nhiều nên anh tiếp tục làm postdoc tại Vancouver, Canada.

Sự khác biệt giữa Mỹ và Canada

Tốt nghiệp với background Data Science, chị Nhật Hà nhận thấy rằng thị trường Mỹ sôi động hơn Canada rất nhiều bởi phần lớn những công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia ở Canada đều tập trung ở Toronto. Tuy nhiên, thị trường Canada cũng đang ngày một phát triển khi tại Vancouver, khi các tập đoàn lớn cũng bắt đầu xây dựng văn phòng và công ty của họ tại đây. Một điểm rất đáng quan tâm nữa là mức lương ở hai đất nước. Đối với ngành Data Science, chị Hà chia sẻ rằng lương trung bình sẽ rơi vào khoảng $90,000 tại Vancouver trong khi ở Seattle là $125,000 và ở San Francisco là $140,000.

Đối với ngành Accounting, chị Ngọc thấy rằng giữa Mỹ và Canada không có quá nhiều khác biệt khi bản thân lộ trình ngành của chị từng bước đã được định hướng. Nhu cầu về kế toán, CPA ở hai nước cũng rất cao nên cơ hội công việc vô cùng rộng mở. Tuy rằng mức lương ở Canada ít hấp dẫn hơn so với Mỹ, nhưng phúc lợi của Canada dành cho người lao động thì lại rất đáng chú ý.

Cùng là hai đất nước có diện tích lớn và đa dạng văn hoá, các khách mời đều chia sẻ rằng sự khác biệt về văn hoá cũng như nhịp sống phụ thuộc nhiều vào thành phố các anh chị đã từng sống và làm việc. Các thành phố lớn như Vancouver, Toronto hay ở California thì nhịp sống vô cùng nhộn nhịp cũng đa dạng sắc tộc hơn các vùng nhỏ hay hẻo lánh như Tennessee hay Cincinnati.

VISA, GreenCard và các giấy tờ đối với người nhập cư
Ở Mỹ, đối với các ngành non-STEM thì cơ hội để có được H1B sẽ khó hơn nhiều khi bạn chỉ có 1 năm OPT. Nhưng ở Canada, cơ hội để xin được PR (permanent residency)dễ dàng và quy trình rõ ràng hơn rất nhiều.
Chị Ngọc cũng chia sẻ nếu như cảm thấy quay H1B ở Mỹ quá khó khăn thì có thể tìm việc ở Canada, có được PR sau đó quay trở lại Mỹ theo Express Entry. Chị cũng chia sẻ rằng “Mỹ không phải con đường duy nhất” nên các bạn hoàn toàn có thể nhìn sang các hướng khác.
Ở lĩnh vực Academia, anh Giang lại có góc nhìn khác. Theo anh thì sau khi học xong Tiến sĩ, chỉ cần bạn có job thì việc bạn xin được H1B không quá khó. Nhưng ở Canada thì họ sẽ ưu tiên cho công dân Canada, những người đã có PR trước.

Lợi thế và bất lợi của người Việt khi làm việc tại môi trường Mỹ và Canada

Cả ba khách mời đều đồng tình rằng người Việt đều có trách nhiệm với công việc và làm việc rất chăm chỉ. Những đồng nghiệp hay sếp của công ty đều rất ưng ý về cách làm việc của người Việt. Anh Giang nói rằng các nghiên cứu sinh Việt Nam không chỉ chăm chỉ mà còn làm với niềm đam mê mãnh liệt với công việc của mình. Chị Hà cũng nói rằng vì công ty của chị không có nhiều người Việt nên khi chị chia sẻ về Việt Nam, đồng nghiệp thường rất thích thú.

Còn về bất lợi, đầu tiên phải nhắc tới đó là người Việt chưa có networking mạnh để giúp đỡ, hỗ trợ hay mentor lẫn nhau. Điều đó làm người Việt gặp nhiều bất lợi khi tìm việc, xin internship,... Thêm vào đó người Việt làm việc rất chăm chỉ nhưng lại ngại thể hiện ra thành quả và tài năng của mình.

Lời khuyên từ những người đi trước

Chị Hà cũng đưa lời khuyên rằng người Việt hãy tự tin hơn, đặc biệt là các bạn đang học Data Science. Các bạn hãy tự tin về data của mình thì sếp, đồng nghiệp hay khách hàng mới có thể tin tưởng vào số liệu của bạn.
Anh Giang thì khuyên rằng các bạn hãy tìm cho mình một mentor hoặc một tiền bối tốt, có thể định hướng và hỗ trợ cho mình. Bản thân anh là một người không có mentor, nên anh đã mất thời gian để thử nghiệm và thất bại cũng khá nhiều, mới có thể thành công và vững vàng như ngày hôm nay.

Vậy ta nên chọn Mỹ hay Canada?
Nếu như các bạn muốn tìm con đường định cư hay giấy tờ và cơ hội ở Mỹ quá khó khăn thì Canada thực sự là một lựa chọn tốt. Chị Ngọc nói rằng “rời nước Mỹ không phải con đường một chiều”, bạn hoàn toàn có thể tới Canada tìm cơ hội và trở lại Mỹ.

Còn nếu như bạn muốn có những cơ hội tốt nhất, muốn có được những trải nghiệm đa dạng, thử thách bản thân và khác biệt thì Mỹ là một lựa chọn không thể hoàn hảo hơn.


VNPN hiện đang triển khai mùa tiếp theo của chương trình cố vấn nghề nghiệp 1-1 Premium CAME. 30 bạn có hồ sơ phù hợp nhất để ghép cặp với mentor trong cùng ngành học và tìm việc để nhận được sự hỗ trợ tích cực nhất, nâng cao cơ hội xin việc thành công tại Mỹ. Để trở thành mentor/mentee của P-CAME, vui lòng đăng ký tại link: https://vnpn.co/form/came4 trước ngày 17 tháng 3 năm 2020