Chuyển ngành học từ ngành Vật lý sang Khoa học máy tính, dù đã nỗ lực và tìm được cơ hội thực tập, Trang Nguyễn vẫn vật lộn với giai đoạn tìm việc và tưởng chừng không còn cơ hội tìm offer công việc toàn thời gian tại Mỹ. Cuối cùng nhờ vào nỗ lực không ngừng của bản thân và sự giúp đỡ của mentor chương trình CAME, Trang đã thành công. Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện tìm việc của Trang trong bài phỏng vấn dưới đây.

Nếu bạn cũng muốn đóng góp câu chuyện của mình, hay biết ai đó có một câu chuyện tìm việc truyền cảm hứng tương tự, hãy gửi email cho VNPN tại career.vnpn@gmail.com nhé!

Chào Trang, bạn có thể tự giới thiệu bản thân một chút được không?

Chào Phong! Mình là Trang, mình vừa tốt nghiệp Washington University St. Louis tháng 5 năm 2018 với bằng cử nhân & thạc sĩ ngành Computer Science (Khoa học máy tính), và hiện tại đang làm kĩ sư phần mềm cho Arrowstreet Capital một công ty quản lý đầu tư ở Boston.

Mình biết là trước khi học Computer Science, bạn có học một ngành khác rồi. Vậy cho mình hỏi tại sao bạn lại chọn ngành ban đầu đó?

Trước khi học Computer Science thì mình có học 3 năm ngành Physics ở Hendrix College. Mình chọn ngành Physics vì ba mình làm kĩ sư xây dựng (civil engineer), và hồi trước thì mình cũng thấy rất thích đọc các bản vẽ của ba, rồi thích vẽ các toà nhà, nên mình nghĩ mình sẽ thích học Civil Engineering.
Nhưng mà khi đi học thì mình học Hendrix, là một trường liberal arts rất nhỏ, không có ngành Civil Engineering. Hendrix thì có một chương trình dual degree: tức là mình có thể học 3 năm ở Hendrix và lấy một bằng cử nhân (Bachelor), sau đó trường sẽ cho mình chuyển lên học một bằng Bachelor nữa trong một ngành Engineering mà mình muốn ở một trường National University. Vậy mình chọn Physics (Vật lý học), là ngành theo mình là liên quan nhất với định hướng Civil Engineering của mình.

Vậy bạn có thích ngành Physics không? Tại sao bạn lại chuyển ngành?

Thực ra lúc ở trường thì mình rất thích Physics, các thầy trong ban cũng rất tốt với mình. Duy nhất có một điểm là mình thích học cái gì đó practical (thực tiễn - người PV) một chút, mà nếu đi theo Physics sau khi ra trường thì chỉ có làm nghiên cứu. Mình thì tự thấy bản thân không phù hợp với hướng đi về nghiên cứu.

Đến năm thứ 3 thì mình phải apply vào các chương trình Engineering mà Hendrix có liên kết, ở: Columbia University và Washington University St. Louis. Mình apply cả 2 và được nhận cả 2, nhưng Columbia không cho mình học bổng. Vì khả năng tài chính của gia đình nên mình đã lựa chọn Washington University. Nhưng WashU thì không có ngành Civil Engineer mà mình muốn theo ban đầu.
Sau một thời gian suy nghĩ thì mình đã chọn học Computer Science. Mình đã học 2 lớp Computer Science ở Hendrix và thấy thích. Hơn nữa ngành này lại còn có tính ứng dụng vào cuộc sống rất cao. Vậy nên mình đã chọn theo ngành Computer Science tại WashU, và học 3 năm để lấy cả bằng Bachelor & bằng Master.

Chuyển hướng sang một ngành hoàn toàn mới như thế khi mới chỉ học có 2 lớp Computer Science, bạn có phải vất vả để đuổi theo không?

Vì mình mới học có 2 lớp Computer Science căn bản ở Hendrix nên khi vào WashU, tuy là đang học năm cuối & Master nhưng mình phải học rất nhiều lớp căn bản với các bạn freshman năm nhất. Và lúc đó khi mới chuyển sang Computer Science thì mình cũng vẫn rất phân vân chưa biết đó có phải ngành đúng với mình hay chưa, nên mình còn học thêm cả minor ngành Operations & Supply Chain Management. Để hoàn thành cả major, minor, và bằng Master trong 3 năm thì mỗi kì mình phải học tới 6-7 lớp.

Làm thế nào để bạn vượt qua tận 3 năm căng thẳng, mỗi kì học 6-7 lớp như thế? Bạn có lúc nào cảm thấy khó khăn quá và nghĩ sẽ phải bỏ bớt ngành minor hay tương tự thế không?

Việc học ngốn hết toàn bộ thời gian của mình. Ngành Computer Science thì cũng đã khá nặng, và mình lại còn học bù, học minor chồng chất lên nữa. Nên phần lớn thời gian của mình ở WashU chỉ có đi học, rồi về nhà làm bài tập, cũng gần như không tham gia vào hoạt động gì khác.
Dĩ nhiên là cũng rất căng thẳng, nhưng mình vẫn cố gắng hoàn thành được hết những lớp mình phải học cho major, minor. Theo mình cách cope (đương đầu, vượt qua - người PV) tốt nhất là quản lý thời gian tốt. Lúc nào mình cũng có một cái planner (thời khoá biểu) ghi hết những gì mình phải làm trong tuần, và mỗi ngày mình cố gắng hoàn thành càng nhiều càng tốt.
Hơn nữa mình thích ngành Computer Science, nên dù nó nặng & khó nhưng mình vẫn vượt qua được. Mình thấy việc mình thích ngành mình học đóng vai trò rất quan trọng trong việc mình vượt qua được quãng thời gian đi học đó.

Vậy quay lại thời gian một chút. Lúc học Physics ở Hendrix thì các mùa hè bạn làm gì? Theo mình biết thì các ngành khoa học thuần tuý thường ít cơ hội thực tập hơn, mà chủ yếu là làm nghiên cứu đúng không?

Đúng vậy, nhưng khi học ở Hendrix mình cũng đã tham gia làm nghiên cứu trong một số lớp với các giảng viên, và mình tự thấy không hợp với con đường nghiên cứu.
Vậy nên lúc ở Hendrix thì các mùa hè mình về Việt Nam và tham gia các tổ chức sinh viên, ví dụ như tổ chức VietAbroader để tổ chức các event cho các bạn học sinh-sinh viên, tìm hiểu thêm các hướng đi mới, và mở rộng thêm network.

Tức là tới lúc chuyển lên WashU (năm thứ 3 đại học) thì bạn mới bắt đầu đi tìm các cơ hội thực tập lần đầu tiên? Bạn có thấy quá trình đó khó khăn không?

Sau khi chuyển lên WashU được một năm thì mình mới bắt đầu tìm kiếm các cơ hội thực tập. Do ít kinh nghiệm nên dù gửi tầm 30-50 applications, mình cũng không tìm được thực tập ở Mỹ.
Nhưng tìm được cơ hội ở Việt Nam, do các anh chị VietAbroader giới thiệu cho, qua chương trình SEO-V (*). Thực ra lúc đó mình không nghĩ là sẽ có được cơ hội thực tập đúng ngành, vì lúc đó SEO-V chủ yếu là các cơ hội về marketing, finance chứ không có nhiều engineering. Mình lúc đầu nhắm vào một vị trí Operations của Uber, nhưng cũng không được. May mắn năm đó là mùa hè duy nhất mà SEO-V làm việc với Intel, có vị trí developer với bộ phận industrial engineer của Intel, giúp viết các script VBA để tự động hoá một số quá trình trên Excel. Mình cũng apply cả vị trí đó nữa và may mắn được nhận.
Mùa hè đó với mình cũng không có thời gian nào trống, ngày đi làm Intel, chiều tối thì lại làm các hoạt động, chương trình dự án cộng đồng của SEO-V. Nhưng mà mình cũng thích những việc đó nên vượt qua được.

Mình cũng từng tham gia SEO-V, và có biết chương trình này rất cạnh tranh. Vậy bạn đã làm thế nào để hồ sơ của mình nổi bật trong số hàng trăm ứng cử viên?

Lúc còn ở Hendrix thì tuy không đi thực tập nhưng mình rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, mình làm Teaching Assistant (trợ giảng), Resident Assistant (sinh viên quản lý khu ký túc), (International Student Ambassador) đại sứ sinh viên quốc tế, và tham gia VietAbroader. Mình nghĩ những hoạt động đó cũng đã giúp mình rất nhiều.

Sau khi có kinh nghiệm thực tập này rồi thì việc tìm thực tập những năm sau của bạn có dễ hơn không?

Cũng dễ hơn một chút thôi, nhưng cũng không phải dễ hơn nhiều! Dĩ nhiên mình thực tập ở một công ty cũng có tên tuổi là Intel, nên cũng được gọi đi phỏng vấn nhiều hơn. Năm thứ 2 ở WashU thì mình nhận được offer ở một startup là Jane.ai, với vị trí web developer.

Trải nghiệm của bạn ở Jane.ai như thế nào?

Khi mình vào thì mình gần như là người duy nhất làm dự án làm website này, và dự án cũng chưa có gì cả, mình phải bắt đầu tứ con số 0. Lúc đó mình chưa xây dựng website bao giờ nên cũng rất hoang mang. May mắn là có một developer có kinh nghiệm hơn đã giúp mình, khuyên mình nên dùng Wordpress. Vậy là mình đăng ký dùng thử một tài khoản trên Linda.com, cố gắng học nhanh trong 1 tháng đầu được dùng thử để không phải trả tiền. Sau 5 tuần thì mình cũng xây dựng xong website.

Mình thấy Trang có một trang web giới thiệu bản thân rất đẹp, với portfolio bao gồm rất nhiều project. Vậy quá trình bạn xây dựng portfolio này như thế nào? Bạn có thấy nó có ích cho quá trình tìm việc không?

Các project thì hầu hết là do mình tự làm trong quá trình học vì mình thích và để hiểu sâu thêm thôi. Ví dụ như khi học lớp lập trình iOS thì mình đã làm một cái app iOS để cho vào portfolio.
Còn trang web cá nhân thì có liên quan đến câu chuyện tìm việc fulltime của mình.
Vào năm cuối cùng ở WashU thì minh cũng rất stress vì học nhiều và nặng, nên cũng không dành được đủ thời gian và sức lực để tìm việc fulltime. Vậy nên mình đã ra trường mà chưa có offer fulltime.
Sau khi ra trường thì mình vẫn cố gắng tìm việc trong thời gian visa còn chưa hết hạn. Đến tháng 6 năm đó, mình tưởng mình đã phải về nước rồi. Nhưng có một chị người quen của mình ở Boston đã khuyên mình lên Boston, thực tập không lương cho một startup ở Boston mà chị ấy quen để được giữ OPT, và trong lúc đó thì kiếm cơ hội fulltime. Sau một thời gian suy nghĩ thì mình quyết định lên Boston và làm không lương ở startup Incluvie, ở nhờ nhà bạn và vừa làm vừa kiếm việc fulltime.
Trong khi ở Boston thì mình cũng tìm các cơ hội networking, và đó là lúc mình biết đến VNPN. Mentor của mình là anh Song Hà đã cho mình rất nhiều lời khuyên về việc làm đẹp resume, việc luyện personal interview. Đến tháng 11 thì mình quyết định xây dựng trang web cá nhân để tự marketing bản thân. Trước khi làm website thì mình cũng gửi 200-300 application mà không được mấy lời mời đi phỏng vấn. Nhưng sau khi sửa resume và làm website, đến khoảng tháng 1 thì mình bắt đầu được nhiều lời mời phỏng vấn hơn. Và sếp ở chỗ mình làm bây giờ, Arrowstreet Capital, cũng nói là ông thấy website của mình rất tốt, và vì thế mà đã cho mình bỏ qua luôn vòng phỏng vấn đầu tiên.

Bạn có bí quyết gì để luyện coding interview không?

Lúc đầu thì mình luyện trên HackerRank, nhưng cũng không thấy giúp ích nhiều lắm. Sau đó thì anh Song Hà khuyên mình thử luyện trên LeetCode, bấm thời gian xem mình mất bao lâu để giải từng bài, và sau khi giải xong thì đi xem phần discussion để xem những người khác họ giải theo những cách khác như thế nào. Mình học được rất nhiều thứ từ những bạn khác cũng luyện trên LeetCode. Từ đó thì cứ có thời gian rảnh thì mình lại luyện LeetCode.

Trung bình bạn luyện bao nhiêu bài một ngày?

Ngày nào rảnh thì mình làm tầm 10 bài, nhưng ngày nào mình cũng cố làm ít nhất 2 bài. LeetCode giúp mình tự tin hơn nhiều trong các bài technical interview.

Vậy theo bạn để có được việc làm hiện nay, bạn nghĩ bao nhiêu % là do may mắn, bao nhiêu là do cố gắng của bản thân?

Theo mình là có 20% may mắn thôi, còn 80% là do cố gắng, và do sự giúp đỡ của bạn mình, hướng dẫn của mentor của mình.

Nếu có thể cho chính mình trong quá khứ một lời khuyên, thì bạn sẽ tự cho mình lời khuyên gì?

Nếu mình được đi học lại ở Washington University thì mình sẽ không học 6-7 lớp nữa, mà chắc sẽ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, gặp gỡ nhiều người hơn. Lúc đó thì mình nghĩ học càng nhiều lớp thì sẽ càng xứng đáng với tiền học mình đã bỏ ra. Nhưng sau khi lên Boston thì mình thấy việc đi network, gặp gỡ mọi người cũng giúp mình học được rất nhiều. Vậy nên nếu cho bản thân được một lời khuyên, mình sẽ không coi nặng việc điểm số, việc học nhiều, mà sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc gặp gỡ làm quen những người bạn mới, học hỏi thêm từ những người xung quanh, và đi tìm hiểu đam mê của bản thân mình.

(*) SEO-V: Sponsors for Educational Opportunity Vietnam - là một tổ chức phát triển sự nghiệp. Chương trình Careers Program của SEO-V giúp các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội thực tập qua mạng lưới SEO-V, cũng như hướng dẫn các bạn phát triển thêm các kĩ năng cứng và mềm thông qua các buổi trò chuyện với chuyên gia, hợp tác với các tổ chức xã hội, và các buổi networking.

Bài: Hoàng Phong

Chỉnh sửa: Hoàng Phong, Khánh Hoà

VNPN Marketing & Community Relations Team