Nghiên cứu “Delivering through Diversity” (2018) thực hiện bởi công ty tư vấn McKinsey & Company mang tới nhiều góc nhìn mới mẻ về sự đa dạng nơi công sở. Nghiên cứu chỉ ra rằng những công ty đứng đầu về bình đẳng giới tính thường có lợi nhuận cao hơn 21% mức lợi nhuận trung bình. Trái lại, các công ty khác lại có mức lợi nhuận thấp hơn 29% so với mức trung bình đó. Nghiên cứu năm 2019 càng minh chứng rõ hơn mối liên hệ mật thiết giữa sự đa dạng và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi đại dịch thế kỷ bùng phát, liệu các công ty còn chú trọng nguồn lực dành cho sự đa dạng này hay không?

Hiểu rõ bối cảnh kinh doanh hậu COVID-19

Phần lớn các công ty đều chịu phải cú hích mạnh. Khi đó, mỗi công ty xử lý khủng hoảng theo một cách khác nhau. Sự đa dạng được coi là phần quan trọng trong văn hóa tại một số công ty, tuy nhiên một số nơi lại coi điều nay như một nghĩa vụ bắt buộc. Sự khác biệt này chỉ hiện rõ khi doanh nghiệp đối mặt với các tính huống khủng hoảng.

COVID-19 tác động tới cơ hội việc làm ra sao?

Nhiều doanh nghiệp đóng băng công việc tuyển dụng nhân sự mới và tăng cường tuyển dụng nội bộ. Một báo cáo bởi LinkedIn cho thấy sự thay đổi trong vai trò của bộ phận tuyển dụng: Thay vì ưu tiên sự đa dạng, họ cần cân đối năng lực sẵn có.

Tuyển dụng nội bộ không gia tăng đa dạng nguồn nhân lực, mà đơn thuần xoay vòng nhân sự hiện tại trong công ty. Và hệ quả tất yếu: Công ty không tập trung nguồn lực cho các hoạt động phát triển văn hóa khác.

Đại dịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới quyết định tuyển dụng của doanh nghiệp. Theo Washington Post, số vị trí tuyển dụng hiện chỉ còn một nửa so với đầu tháng 3. Vì vậy, có thể thấy xu hướng cân nhắc yếu tố đa dạng trong tuyển dụng sẽ trở nên rõ rệt hơn trong những năm tiếp theo.

COVID-19 ảnh hưởng ra sao tới nguồn nhân sự hiện tại?

Xu hướng tự động hóa ngày càng được chú trọng hơn. Nhiều nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng điều này gây tác động tiềm tàng tới thành phần thiểu số và phụ nữ.

Forbes công bố việc áp dụng tự động hóa vô hình trung tước đi cơ hội việc làm của những người Mỹ gốc Phi - với 4.6 triệu người hoàn toàn có khả năng thất nghiệp vào năm 2030 - trong mảng chế tác, dịch vụ thực phẩm, hỗ trợ hành chính…. Con số này lớn hơn đáng kể đối với người Mỹ gốc Latin.

Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) dự báo rằng nữ giới cũng gặp phải nguy cơ mất việc cao hơn so với nam giới do sự gia tăng áp dụng tự động hóa.

Có thể thấy, đại dịch là ngòi châm khiến xu hướng này trở nên rõ thấy hơn. COVID-19 là động lực thúc đẩy các công ty áp dụng tối ưu tự động hóa, nhưng đồng thời khiến các công ty phải ra quyết định tức thời và nhanh chóng khi cắt bỏ những nhân sự hiện tại.

Theo báo cáo của McKinsey, lịch sử 10 năm nền kinh tế được khôi phục và nở rộ sau thoái hóa kinh tế cho thấy nhóm lao động gốc Phi luôn là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của nguy cơ thất nghiệp.

Bên cạnh xu hướng tự động hóa và sự gia tăng khoảng cách thu nhập, nhân lực thuộc nhóm yếu thế về kinh tế và xuất phát điểm xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa. Cách ly xã hội gây ra gián đoạn về phương thức di chuyển, và điều này phần lớn gây cản trở cho những nỗ lực kéo gần sự đa dạng trong cộng đồng.

Bài học từ quá khứ

Nhóm lao động trong thời điểm hiện tại đã trải qua hai cuộc suy thoái kinh tế có-một-không-hai: Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch thế kỷ COVID-19 năm 2020.

Dù không phải điều đáng mong đợi đối với các doanh nghiệp, đây chắc chắn là một cơ hội cực quý giá để tất cả chúng ta học hỏi và có sự chuẩn bị kỹ càng trước những thách thức tiếp theo. Một trong những bài học lớn nhất từ Đại Suy thoái Toàn cầu năm 2008 là những tổ chức chú trọng tính đa dạng lại là những doanh nghiệp hồi phục nhanh chóng sau khủng hoảng.

Một bài đăng trên Journal of Business Ethics chỉ ra rằng những giám đốc nữ tại các ngân hàng đối mặt tốt hơn với cơn khủng hoảng và làm giảm thiểu đáng kể nguy cơ tiềm tàng với doanh nghiệp khi thị trường căng thẳng và chịu nhiều tổn thương.

Năm 2019, Tạp chí Fortune khẳng định sự đa dạng là chiếc chìa khóa tháo gỡ cho vấn đề suy thoái kinh tế. Tạp chí trích dẫn bài báo cáo nghiên cứu bởi các chuyên gia về văn hóa nơi công sở: Great Places to Work - cho thấy sau cuộc Đại Suy thoái Tài chính, các doanh nghiệp công với văn hóa đa dạng phục hồi nhanh chóng hơn trông thấy. Cụ thể, các doanh nghiệp này thu lại gấp 4 lần lãi suất cổ phiếu so với các công ty thuộc nhóm S&P 500.

Kể cả trong tình hình đại dịch toàn cầu hiện tại, những công ty chú trọng sự đa dạng nguồn nhân lực thích nghi và gắn kết nhanh chóng khoảng cách gây ra bởi sự chuyển đổi phương thức làm việc. Họ sẵn có những quy định về việc làm việc tại nhà cho nhân viên, giờ giấc làm việc linh hoạt, và hoàn toàn tạo điều kiện phát triển năng lực cho nhân viên. Việc khiến các nhân viên làm việc tại nhà thấy mình vẫn là một phần của doanh nghiệp và luôn nhận được sự giúp đỡ, lắng nghe cũng góp phần gắn kết văn hóa công ty.

Có rất nhiều báo cáo, khảo sát và tin tức cũng chỉ ra nguồn nhân lực đa dạng không chỉ là đại diện pháp lý của doanh nghiệp, mà họ còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp sau khủng hoảng. Trong sự hỗn loạn này, những doanh nghiệp chú trọng phát triển văn hóa nhân sự là những doanh nghiệp chiến thắng.

Vì sao sự đa dạng quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế?

Sự đa dạng trong doanh nghiệp ngày càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ta dễ dàng bắt gặp quyết định cắt bỏ hay ngưng đầu tư cho các nhóm nhân sự đa dạng khi doanh nghiệp gặp phải thách thức ảnh hưởng đến sự tồn tại trên thị trường. Sau cùng, đây là giải pháp ‘chữa cháy’ tạm thời khi các doanh nghiệp đối mặt với bài toán phân phối nguồn lực hạn chế.

Tuy nhiên, đây lại là quyết định không mang tính bền vững, bởi sự đa dạng mang đến những yếu tố làm nên sự thành công của một doanh nghiệp như:

Ươm mầm các giải pháp sáng tạo

Tập đoàn Tư vấn Boston chỉ ra sự đa dạng giúp nâng cao tiêu chuẩn của các doanh nghiệp. Nó là chất xúc tác để những trải nghiệm, ý tưởng, tiếp cận, góc nhìn khác nhau cùng hội tụ, từ đó mang lại những giải pháp khác biệt và sáng tạo.

Sự đa dạng làm nên những ‘nguyên liệu’ mới lạ, và khi kết hợp với nhau, chúng tạo ra các giải pháp bùng nổ. Trong thị trường đang căng mình vì thiếu hạn nguồn lực, ý tưởng sáng tạo giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian và công sức, tạo nên cách biệt lớn giữa thành công và thất bại.

Thu hút nhân sự năng lực tốt

Nhân sự đa dạng giúp doanh nghiệp hiểu và chú trọng văn hóa khi đón nhận người mới. Đây là yếu tố các nhân tài chú trọng, bởi đó là biểu hiện của một môi trường làm việc năng động và cởi mở.

Các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng nhân tài. Một bản báo cáo thực hiện với sự tham gia của 600.000 nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tài mang lại ~400% năng suất làm việc so với nhân sự trung bình. Trong thị trường lao động hiện tại, doanh nghiệp chỉ có thể trụ vững khi giữ được những nhân sự như vậy trong công ty. Mức lương cao không phải là yếu tố duy nhất giữ chân nhóm nhân tài này, bởi họ cũng vô cùng chú trọng sự đa dạng tại môi trường làm việc nơi họ được chào đón.

Đa dạng chính là động lực phát triển

Trong bài báo “How Diversity Makes Us Smarter” thuộc tạp chí Scientific American, Giáo sự Katherine Phillips thẳng thắn chỉ ra rằng “Sự đa dạng giúp ta nhận thức đúng đắn”. Theo bà, con người vô thức làm việc và chuẩn bị tốt hơn trước khi trao đổi và làm việc với những người khác họ về “nền tảng xã hội”. Vì vậy, sự đa dạng trong môi trường làm việc mang tới động lực làm việc nghiêm túc và chuẩn chỉnh, vô hình trung thúc đẩy hiệu quả làm việc chung của cả nhóm.

Sự đa dạng đòi hỏi các thành viên lắng nghe quan điểm trái ngược và phản biện chúng hợp lý, logic. Sự đồng lòng giữa tất cả các thành viên là đích đến cuối cùng, và điều đó được xây dựng nên bởi những trao đổi lành mạnh, khách quan vì mục tiêu chung sau cùng.

Thấu hiểu nhu cầu khách hàng

Trong nền kinh tế phẳng, dù là doanh nghiệp cá nhân hay đa quốc gia, khách hàng của doanh nghiệp thường đến từ nhiều quốc gia và sắc tộc khác nhau. Với nhân sự đa dạng, doanh nghiệp dễ dàng thấu hiểu nhóm khách hàng của mình hơn. Nghiên cứu đăng bởi Harvard Business Review đề cập rằng “Các thành viên mang cùng nền tảng văn hóa với khách hàng sẽ có 152% thấu hiểu nhu cầu của khách hàng hơn”.

Khi đó, họ sẽ mang về nhiều cơ hội kinh doanh cho công ty - những lợi ích vô hình mà không cần đến bất cứ vốn đầu tư bên ngoài nào khác.

Một cách nghĩ khác về đa dạng nơi công sở

Đại dịch, suy thoái hay khủng hoảng kinh tế là những điều không thể tránh khỏi, và chắc chắn mang lại nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp. Nhận thức được điều này, các doanh nghiệp luôn cần trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng. Thông qua việc nghiên cứu thận trọng, các doanh nghiệp đã có thể xác định ưu tiên của mình - trong đó có sự đa dạng - để vững vàng trước nguy cơ tiềm tàng của thị trường. Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, sự đa dạng còn là chất xúc tác làm nên thành công của doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 có thể còn tiếp diễn trong tương lai, tuy nhiên hậu quả của nó đã giảm thiểu đáng kể, và các doanh nghiệp đang dần hồi phục. Khi đó, những doanh nghiệp ưu tiên bảo vệ sự đa dạng sẽ là những doanh nghiệp có đà trở lại mạnh mẽ nhất.

Với sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nhân viên và đối với công ty, chắc chắn ta sẽ nhìn thấy sự cam kết của các nhân viên thể hiện qua đóng góp của họ giúp chi phí cắt giảm và doanh thu tăng cao, bởi họ luôn trân trọng doanh nghiệp đã đồng hành cùng mình trong suốt thời gian khủng hoảng. Vì vậy, các doanh nghiệp này không phải đối mặt với thách thức khi tìm kiếm nhân sự mới, mà đã có sẵn đội ngũ cống hiến hết mình để cùng doanh nghiệp đạt được thành tựu mong muốn.

Nguồn: Diversity In The Times Of COVID-19: Why It Matters More? - GlobalInternships.com