Chia sẻ của chị Ngọc Nguyễn, chuyên gia tài chính doanh nghiệp, hiện là mentor và giữ vai trò VP of Career Mentoring, thuộc mạng lưới chuyên gia Việt (VNPN) về hành trình tìm việc trong ngành tài chính cũng như quá trình tự khẳng định bản thân trong môi trường làm việc tại Mỹ.

Chị Ngọc công tác tại bộ phận Mua bán và Sát nhập (M&A), công ty Renewable Energy Group (REG)— công ty sản xuất biodiesel lớn nhất nước Mỹ. Trong 5 năm qua, doanh số công ty đã tăng trưởng gấp đôi nhờ vào hoạt động mua bán sát nhập các công ty trong lĩnh vực. Đó cũng là lý do chính để chị Ngọc cảm thấy tự hào hơn khi bản thân đã và đang đóng góp công sức vào thành công của công ty, qua nhiều dự án.

Một chút chia sẻ từ chị về bản thân, chẳng hạn như sở thích cá nhân, công việc hiện nay, thưa chị?

Chào em, rất vui được trò chuyện với em. Chị hiện đang làm mảng M&A in house của một công ty sản xuất biodiesel. Đây cũng chính là công việc mà chị nhắm đến trước khi sang Mỹ học MBA. Trước khi học MBA tại Iowa State University, chị đã có 3 năm kinh nghiệm tư vấn tài chính doanh nghiệp ở KPMG và phân tích chứng khoán tại công ty chứng khoán Bảo Việt ở Việt Nam. Thời gian đó giúp chị nhận ra mình thực sự muốn làm tài chính trong một công ty, thay vì đi làm tư vấn cho các công ty hay dự án. Chị nghĩ, chị biết bản thân muốn gì và đã đặt mục tiêu rõ ràng theo đuổi. Hồi xưa chị học chuyên toán Tổng Hợp nhưng sớm xác định mình không hợp theo toán nên chuyển sang học tài chính. Chị cũng có thi lấy chứng chỉ phân tích tài chính (CFA), một chứng chỉ khá uy tín trong ngành tài chính. Sau đó từ khi ra trường tới nay, chị vẫn làm trong lĩnh vực yêu thích là M&A.

Thông qua cuộc thi của trường đang học, chị biết được bác CEO đã từng làm việc tại REG. Rồi khi hay tin REG đang tuyển thực tập sinh cho bộ phận tài chính doanh nghiệp và mua bán sáp nhập (Corporate Finance and Investment Banking), ngay lập tức chị nhớ đến bác này và cảm thấy sung sướng vì tìm đúng vị trí đang mơ ước. Chị gửi email cho bác CEO nhưng tiếc là không nhận được hồi âm. Không từ bỏ, chị đã đến các sự kiện giới thiệu việc làm của trường để tìm cho bản thân một cơ hội. Thật thú vị, câu đầu tiên chị được hỏi trong buổi phỏng vấn là: How do you know Dan (bác CEO)? Hóa ra bác ấy đã chuyển email của chị đến nơi cần thiết. Chị đã mở cánh cửa đầu tiên của công việc yêu thích là như thế. Tất nhiên, sau này thì phải chính năng lực trong mảng tài chính đã giúp chị có được công việc yêu thích như hiện nay.

Như vậy có thể thấy rằng, với kinh nghiệm, mối quan hệ và sự quyết tâm, chị đã có được công việc yêu thích khá dễ dàng. Chị có thể cho các bạn trẻ lời khuyên khi tìm việc, nếu như họ chưa may mắn có được cả 3 yếu tố trên như chị?

Chị rất tâm đắc với “Stay hungry, Stay foolish” của bác Steve Job. Chị nghĩ không có cách nào tốt hơn việc tự dấn thân, trải nghiệm.

Đừng ngồi đợi cái gì đó đẹp đẽ long lanh sẽ đến khi bản thân luôn thụ động và phải cố gắng hết sức với từng cơ hội nhỏ.

Ngoài ra các bạn cũng nên tìm cho mình một mentor (là những người có kinh nghiệm) để cung cấp thêm thông tin cho bản thân về những ngành nghề đang quan tâm. Nói chung đừng sợ thất bại, thất bại thì đứng lên làm lại.

Làm ngành tài chính thường phải giao tiếp, liệu rằng đối với những nhân sự người nước ngoài như chị có gặp khó khăn gì không, thưa chị?

Có chứ, nhiều là đằng khác. Hồi mới vào, chị bị stress kinh khủng. Không nhớ rõ là chị đã khóc bao nhiêu lần khi lái xe về nhà, rồi lại tự an ủi, rồi lại cố mà tìm cách vượt qua. Mà cũng qua thật nhanh thôi, em ạ!

Có một lần bác sếp đã gọi chị vào phòng và hướng dẫn, đại ý: trước mỗi cuộc họp, chị cần chuẩn bị thật kỹ và phải luôn tự hỏi: tại sao mình phải ngồi ở đây? mình sẽ đóng góp được gì? Đến giờ, đối với chị đó là bài học quý giá nhất.

Trong khi đồng nghiệp thảo luận, chị cố gắng lắng nghe thật tập trung, rồi dần dần bản thân nghe nói tốt hơn và bắt đầu mạnh dạn ý kiến, thậm chí nhiều ý kiến cua mình còn được đánh giá cao. Chị nghĩ tất cả người Việt Nam nói riêng và người nước ngoài nói chung, muốn làm việc và phát triển ở Mỹ thì tiếng Anh phải thật sự tốt. Mình tư duy tốt mà không giao tiếp được thì cũng không ăn thua gì. Ngoài ra đừng quá tự ti về phát âm (dù phát âm rất quan trọng) miễn là có ý tưởng tốt thì mọi người cũng sẽ buộc phải lắng nghe. Giao tiếp không chỉ là phát âm. Đó là sự hiểu nhau, có người nói trôi chảy mà chẳng ai hiểu gì ý. Giao tiếp tốt có nghĩa là làm người khác dễ hiểu ý mình nói, bản thân luôn xác định những gì mình đang hiểu, chẳng hạn như “what I am hearing you say is…or what you are saying is…”. Còn để người khác hiểu thì cần nắm chắc những ý mình nói, dự án của mình và nhất là chính bản thân phải là người hiểu rõ từ A đến Z.

Theo chị, mối quan giữa các đồng nghiệp sẽ được xây dựng thế nào khi xuất phát điểm về văn hoá, nền tảng giáo dục khá khác nhau?

Mọi người vẫn nói phải tương tác ngoài công việc với đồng nghiệp, hay nói cách khác là cần phải “socialize” với đồng nghiệp, nhưng nói thật chị chỉ muốn giữ mối quan hệ công việc. Còn xã giao thì có thể nói về con cái với các bạn đã có gia đình hoặc lớn tuổi hơn mình, hay nói về định hướng nghề nghiệp với các bạn mới vào nghề hay nhỏ tuổi hơn mình. Chị hạn chế chia sẻ quá nhiều về đời tư, đặc biệt là các kế hoạch tương lai (nhất là khi kế hoạch đó không có lợi cho công ty). Ví dụ: một bạn trong nhóm chị bảo muốn đi học full time MBA trong 2 năm tới, sếp chị hỏi luôn: vậy thì mày sẽ rời công ty sao? Và: thế thì không được thăng chức. Trong khi thực tế chúng ta chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra trong 2 năm tới!

Theo chị, lý do tại sao các công ty tại Mỹ lại muốn tuyển các bạn du học sinh Việt Nam?

Chị cho rằng, chúng ta có khá nhiều điểm mạnh.

Thứ nhất, về mảng tư duy phản biện: Chị nghĩ rất nhiều bạn Việt Nam có tư duy tốt về các con số, nhưng không chỉ tính toán đâu vì việc này có máy tính làm. Làm tài chính lúc nào cũng phải nghĩ liệu số đó có hợp lý hay không và có những giả thuyết nào. Xét từ bản thân, chị thấy một trong những điểm mạnh nhất có lẽ là mình thường xuyên nhìn ra những điểm chưa hợp lý, đặc biệt trong lúc xem xét lại phần việc của các bạn cùng nhóm. Chị thường xuyên thử thách những giả thuyết của các đồng nghiệp và đưa ra những tình huống giả tưởng…

Chị ví dụ thế này: khi phân tích cơ hội đầu tư vào một kênh phân phối, mọi người đều rất tự tin nói: chúng ta có thể vận chuyển tất cả sản phẩm mới từ một nhà máy đang mở rộng và vì đó là sản lượng mới nên chúng ta chỉ cần đảm bảo giá bán cao hơn chi phí sản xuất thôi. Nghe lúc đầu rất hợp lý, nhưng chị lại phản biện lại rằng: 1 năm trước tôi có phân tích tại sao mình nên mở rộng nhà máy này? Và lý do mở rộng là vì mình có thể bán được sản lượng mới ở mức giá cao hơn chi phí sản xuất, mang lại lợi nhuận để thu hồi vốn đầu tư, vậy nếu bây giờ khi xem xét đầu tư vào kênh phân phối này, mình chỉ tính toán dựa trên chi phí sản xuất có nghĩa là mình giả thiết vốn đầu tư mở rộng nhà máy bằng 0 à, rõ ràng là không hợp lý. Từ câu hỏi này, moi người trong cuộc họp đã thấy vấn đề tài chính nằm ở đâu và có những điều chỉnh về chiến lược kinh doanh cho phù hợp hơn. Đương nhiên thái độ của mình lúc phản biện rất quan trọng, mình nên bắt đầu từ việc đồng ý với phần lớn ý kiến của mọi người (sự thật là thế), chỉ có vài điểm cần thảo luận thôi.

Thứ hai, tính dẻo dai bền bỉ: chị thấy quá trình học tập ở Việt Nam, áp lực điểm số và thành tích cũng có mặt tích cực. Làm trong mảng M&A với áp lực công việc rất lớn, có những lúc căng là làm cả ngày lẫn đêm để xong việc, nhưng thực sự chị không thấy mệt mỏi như hồi tham gia đội tuyển toán cấp 3 hay ngay cả việc học chứng chỉ phân tích tài chính (CFA) cả 3 levels cũng không thấy có gì khó khăn. Đó chính là điểm mạnh của sinh viên Việt Nam nói chung.

Thêm nữa trong bất cứ công việc nào chúng ta làm, chúng ta cũng cần có tư duy “làm chủ”, luôn nghĩ đến những điều có thể cải thiện chất lượng công việc hiện tại và sinh lợi cho công ty. Ví dụ chị chủ động dạy các em mới vào về Excel (sử dụng shortcut) hay Powerpoint, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian cho các bạn rất nhiều. Sếp không yêu cầu chị phải làm việc này, chỉ là chị thấy nên làm thôi. Và không riêng gì chị, đa phần người lao động đến từ Việt Nam đều làm như thế.

Vậy chị có thể chỉ cho các bạn trẻ những việc cần phải chuẩn bị để có thể tìm việc làm ở Mỹ một cách thuận lợi hơn không?

Đầu tiên, phải biết tạo thương hiệu bản thân. Bằng cách nào? Nên có tài khoản trên Linkedin và để ảnh chuyên nghiệp chứ không phải ảnh selfie; sau đó nhờ bạn bè, sếp cũ, đồng nghiệp cũ vào viết những dòng nhận xét hay tiến cử (recommendation). Nhà tuyển dụng nói chung rất hay để ý đến mục recommendation này.

Thêm nữa đừng ngồi đợi cơ hội tốt nhất, hãy nắm bắt mọi cơ hội có thể. Em đang là sinh viên thì cần phải có kinh nghiệm thực tập, nếu không thì khó có cơ hội được gọi phỏng vấn. Nếu em không tìm được thực tập ở Mỹ, hãy về Việt Nam hoặc làm bất kỳ công việc gì có thể.

Chị nghĩ và tin là không ai có thể thành công một mình. Không chỉ mỗi các em sinh viên cần người dẫn dắt mà ngay cả bản thân chị bây giờ cũng cần có mentor (người hướng dẫn). Vậy nên hãy chủ động kết nối với các cộng đồng như Mạng lưới chuyên gia Việt (Vietnamese Professionals Network – VNPN). Có một sự thật như thế này: số lượng sinh viên Việt Nam ở Mỹ đứng thứ 4 trong số các nước có sinh viên tới Mỹ đi học, nhưng số lượng người Việt Nam có việc làm (hay có visa làm việc) chỉ đứng thứ 21. Theo chị, nếu chúng ta kết nối để hỗ trợ nhau thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Chị không nói mình không nên tìm đến các cộng đồng khác, nguồn hỗ trợ khác nhưng người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài đều có những khó khăn chung như rào cản ngôn ngữ, văn hóa và đặc biệt là khó khăn về vấn đề nhập cư. Vì vậy, tại sao chúng ta không cùng chung tay để những người đi trước truyền đạt và hướng dẫn cho người đi sau?

Hãy chủ động trong mọi tình huống, kể cả chủ động hỏi và tìm kiếm thông tin, vì cơ hội mới không thể đến khi tụi em ngồi một chỗ.

Chúc các em thành công!

Cảm ơn những chia sẻ rất thiết thực và trân quý từ chị. Nhóm VNPN Career xin chúc chị sức khoẻ và thành công!

Thực hiện: VNPN Career