LinkedIn là một trong những công cụ phổ biến nhất hiện nay giúp người tìm việc tiếp cận nhà tuyển dụng tương lai. Làm sao để sử dụng hiệu quả lượng thời gian ít ỏi bạn có trong ngày để làm được điều này? Hãy thử tham khảo gợi ý sau đây:

Từ 1 đến 15 phút đầu: Chỉnh sửa (hoặc Tạo mới) phần Mô tả tổng quan

Bạn nên có phần Mô tả tổng quan cá nhân trong profile LinkedIn. Một số nhà tuyển dụng sẽ đọc lướt rất nhanh, vậy nên nếu phần mô tả về bạn không ngắn gọn, súc tích và đủ hấp dẫn, profile của bạn rất dễ dàng bị bỏ qua. Và nếu phần mô tả bạn đang có chưa thể hiện được bạn là chuyên gia hay có điểm mạnh trong công việc bạn ứng tuyển, bạn nên cân nhắc để điều chỉnh một chút.

Quan trọng hơn cả, bạn cần thể hiện những điểm mạnh và kinh nghiệm phù hợp với công việc bạn đang nhắm tới. Làm sao để xác định những điểm quan trọng này? Hãy lựa chọn 3-4 phần mô tả công việc khiến bạn hứng thú, sắp xếp chúng cạnh nhau và tìm những điểm chung giữa chúng. Một gợi ý nhỏ là chúng thường xuất hiện trong ít nhất 2 phần mô tả công việc đó!

Hãy để ý xem liệu vị trí bạn ứng tuyển có yêu cầu khả năng điều phối giữa các bộ phận khác nhau, sắp xếp và giải quyết nhiều công việc có mức ưu tiên tương đương nhau, hay trình bày dữ liệu phức tạp cho lãnh đạo cấp cao? Từ đó, hãy chỉnh sửa để làm nổi bật thế mạnh của mình theo những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng (Và hãy viết những điều mình thực sự làm được nhé!).

Hãy sử dụng những cụm từ 'ăn điểm' trong phần mô tả của mình một cách khéo léo và vừa phải. Một phần mô tả đủ hấp dẫn mà không lạm dụng thái quá các cụm từ sẽ gây ấn tượng tốt với người đọc. Nếu gặp khó khăn hay chưa biết phải bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo 5 mẫu Mô tả tổng quan cá nhân trong profile LinkedIn dưới đây:

Trong 5 phút tiếp theo: Thay đổi Tiêu đề

Bạn biết là mình có thể, và nên, thay đổi phần tiêu đề nằm dưới tên hiển thị trong profile LinkedIn chứ?

LinkedIn sẽ mặc định phần tiêu đề của bạn là "[Vị trí hiện tại] tại [Công ty hiện tại]". Tuy nhiên, bạn được thoải mái sáng tạo tiêu đề của mình với giới hạn duy nhất là 120 chữ.

Bạn có thể thử khiến tiêu đề súc tích hơn bằng cách sử dụng những từ khóa quan trọng (LinkedIn có thuật toán Google - SEO rất mạnh) và thuyết phục đối với nhà tuyển dụng.

Ví dụ, bạn là một chuyên viên marketing với định hướng xây dựng chiến lược phát triển nội dung. Như vậy, tiêu đề của bạn có thể thay đổi như sau:

Trước: Chuyên viên marketing tại Công ty XYZ

Sau: Chuyên viên marketing | Xây dựng chiến lược phát triển nội dung | Copywriter | Thế mạnh trong xây dựng thương hiệu, tăng tương tác với khách hàng và thúc đẩy lợi nhuận

Phút thứ 20 tới 25: Cập nhật và sắp xếp các Kỹ năng

Quay lại với 3-4 mô tả công việc bạn vừa lựa chọn: Chúng đang yêu cầu ứng viên những kỹ năng và tiêu chuẩn nào? Bạn đã có kinh nghiệm trong những mảng này hay chưa? Nếu có, hãy đảm bảo năng lực của bạn không chỉ được liệt kê trong phần kỹ năng và nhận xét của những đồng nghiệp trước đây, mà còn cần xuất hiện trong top những vị trí đầu tiên. Sắp xếp mặc định của LinkedIn là từ kỹ năng được ghi nhận nhiều nhất tới ít nhất, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kéo thả các kỹ năng này theo thứ tự mong muốn.

Hãy sắp xếp để những kỹ năng quan trọng và gần nhất với yêu cầu của nhà tuyển dụng được đưa lên phía trên. Ngược lại, bạn có thể xóa bỏ những kỹ năng không cần thiết trong công việc. Với con số tối đa là 50 kỹ năng được liệt kê trong profile, hãy khéo léo tận dụng để những nội dung được viết ra thật chất lượng mà không bị áp đảo bởi số lượng.

5 phút cuối cùng: Rà soát một lượt profile của bạn

LinkedIn không có tính năng kiểm tra chính tả, tuy nhiên không nên chủ quan mà hãy chắc chắn bạn dành thời gian để làm việc này. Các lỗi chính tả cơ bản nên được để ý cẩn thận. Theo kinh nghiệm cá nhân, copy - paste toàn bộ profile sang Word và sử dụng chức năng Spell check là cách làm đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả để đảm bảo profile chỉnh chu hơn.

Ngoài các lỗi chính tả khiến profile của bạn thiếu chuyên nghiệp, hãy chắc chắn tránh các lỗi khiến nhà tuyển dụng phân tâm khi đọc profile của bạn. Sự thiếu cẩn thận sẽ tạo ấn tượng không tốt kể cả với một profile xuất sắc về kinh nghiệm và kỹ năng.


Chờ chút—Trước khi bạn bắt đầu!

Nếu bạn tranh thủ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới khi đang có một công việc khác, hãy thật để ý khi cập nhật profile LinkedIn của mình. Lý do là bởi chúng ta thường có các kết nối trên LinkedIn với đồng nghiệp, khách hàng, hoặc những người quản lý trong công ty. Sẽ phiền một chút nếu thông tin "[Tên bạn] vừa cập nhật mục Kinh nghiệm làm việc" hay "[Tên bạn] vừa bổ sung phần Mô tả tổng quan cá nhân" liên tục hiện lên newsfeed của họ. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đã tắt tính năng thông báo hoạt động để hạn chế quá nhiều thông tin không mong muốn xuất hiện trên newsfeed những người bạn quen.

Để tắt tính năng này, hãy click chuột vào ảnh đại diện của bạn tại góc phải trên màn hình. Trong menu, chọn Settings & Privacy > Privacy > How others see your LinkedIn activity > Share job changes, education changes, and work anniversaries from your profile > No.

Sau đó hãy bắt tay vào cập nhật profile của mình nhé!

Nếu bạn mong muốn những nỗ lực trong công việc được công nhận, hoặc ít nhất là để nhà tuyển dụng biết đến bạn với đúng vai trò bạn phụ trách, hãy thể hiện thật nhất quán trong LinkedIn. 30 phút dành ra để tối ưu profile LinkedIn sẽ là 30 phút thực sự đáng giá để bạn tiến gần hơn tới công việc bạn yêu thích.

À, và nếu bạn thấy thời gian cho các bước trên của mình ít hơn 30 phút, hãy tranh thủ khiến profile của mình nổi bật hơn nữa bằng cách thêm các sản phẩm media liên quan, thay đổi ảnh nền, và đảm bảo ảnh đại diện hiện tại là tấm ảnh chân dung đẹp nhất của bạn nhé!

Nguồn: The Muse - How to Get Your LinkedIn Profile Ready for Your Job Search in 30 Minutes