Làm thế nào để "vượt rào" vào tech khi học ngành non-tech?

Câu chuyện quá trình chuyển ngành học và tìm việc của bạn Phương Nguyễn, sinh viên ngành Computer Information System, Baruch College.

Chào Phương! Bạn có thể giới thiệu về bản thân với độc giả của VNPN Blog không? Lúc mới sang Mỹ, bạn học ngành gì? Tại sao sau đó bạn lại chuyển ngành sang Tech & chuyển trường?

Năm đầu tiên đại học thì mình học Mercyhurst University, ngành Communication (truyền thông - người PV). Đó là bởi vì trước đó ở Việt Nam mình đã có kinh nghiệm làm báo, làm phim và thấy mình rất thích những cái đó.

Sau khi học thì mình mới thấy là học ngành Truyền thông không có nghĩa là sẽ được làm những việc mình thích đó. Đặc biệt là ở Mỹ, vì văn hoá rất khác với Việt Nam, gần như cả năm đầu mình chỉ dành để hiểu văn hoá Mỹ là gì. Lúc đấy, không muốn học truyền thông nữa, nhưng mình cũng chưa biết sẽ đổi sang ngành gì khác, thì có một anh cùng trường sắp chuyển lên New York City & bảo mình rằng: “Em học ngành tech đi. Ngành tech bây giờ là the new American dream (giấc mơ Mỹ mới - người PV). Em hãy theo đuổi American dream đấy đi.”

Thế rồi mình nghĩ là mình cũng phải chuyển lên New York thôi. Đơn giản là mình muốn học nhiều hơn, và mình nghĩ New York là nơi tốt nhất để học nhiều hơn. Mình cũng không chắc học xong thì sẽ xin được việc ở Mỹ, thế nên ở Mỹ có ngần này thời gian, mình phải sống ở Mỹ nhiều nhất có thể.

Vậy là mình chuyển luôn lên New York, học ngành Computer Information System ở Baruch College.

Tại sao bạn lại chọn Baruch College? Và sau khi chuyển lên New York thì chuyện tìm việc của bạn có trở nên suôn sẻ thật không?

Baruch College là trường công. Gia đình mình chỉ có thể chi trả được học phí trường công mà thôi. Kì đầu tiên và cả mùa hè đầu tiên, mình chỉ tập trung học, không xin thực tập gì cả, vì mình cũng chưa biết gì. Đến kì mùa Thu, mình mới biết một chút Excel và stats (xác suất thống kê - PV), chưa biết code gì cả, nhưng mình nghĩ là xin thực tập mùa Thu trong học kỳ thì sẽ dễ hơn là mùa Hè, vì bớt phải cạnh tranh với các bạn giỏi. Thế là mình cũng chịu khó apply, chấp nhận kể cả thực tập không lương.

Mình trượt rất nhiều, toàn là vì không qua được vòng technical, và cũng không ai luyện cho mình kĩ năng đấy.

Sau đó, có một công ty tên là Smart Asset mở một vị trí mà mình rất thích là Product Management: vị trí đấy phải kết hợp cả kĩ năng tech lẫn kĩ năng kinh doanh, nhiệm vụ là quản lý các sản phẩm của công ty, làm thế nào để sản phẩm tốt hơn. Mà thường vị trí này rất khó, đòi hỏi người đã có kinh nghiệm trong ngành tech hoặc là bằng MBA. Mình thích công việc đấy quá nên apply. May sao mà vào được vòng phỏng vấn. Vòng phỏng vấn qua điện thoại rất đáng nhớ vì lúc đấy mình bận việc đột xuất mà không thể nào về nhà kịp, nên đành phải vào quán cafe Starbucks đầu đường. Mà quán bật nhạc to quá nên mình phải vào phòng vệ sinh phỏng vấn. Phỏng vấn xong ra thì thấy có mấy người xếp hàng ở ngoài, mặt mũi rất thắc mắc nhìn mình xem con bé này có vấn đề gì về tiêu hoá. Lúc đấy mình xấu hổ lắm, nhưng bí quá nên đành. May mà mình qua được vòng đấy.

Vòng cuối cùng là vòng case, được mang một tình huống về nhà làm. Lúc đấy mình thông minh hơn rồi nên biết đi nhờ người khác review hộ bài case và bài presentation (thuyết trình - PV) của mình. Lúc được offer thực tập, mình mừng quá luôn vì được một công việc có thể dạy mình nhiều.

Vậy là bạn vừa đi học, vừa đi thực tập trong kỳ mùa Thu. Làm thế nào để bạn có thể cáng đáng được việc vừa học vừa làm như thế?
Đúng rồi! Kỳ đấy mình học 4 môn là: Python, R, Database & Finance, đều là 4 môn rất khó và nặng. Xong mình còn đi thực tập 20 tiếng/tuần, mà thực ra toàn thành 30 tiếng vì công việc khó & nhiều.

Cũng có những lúc mình suy sụp tinh thần lắm, than khóc với bạn bè là chỉ muốn bỏ học, bỏ làm, bỏ hết. Mình cũng không biết cách nào mà vượt qua được nữa. Chắc là vì có rất nhiều người giúp mình. Đặc biệt là bạn trai mình, vừa là bạn vừa là mentor. Anh ấy học CS và chỉ mình rất nhiều cái gì quan trọng, cái gì không, giúp mình học code cho cả việc học lẫn việc ở chỗ thực tập. Nhất là khi chỗ mình thực tập là một startup, nên không có nhiều hướng dẫn, mà mình phải tự học cách làm tất cả mọi thứ.

Sau khi đã có kinh nghiệm thực tập ở Smart Asset trong năm học, việc tìm thực tập hè của bạn có đơn giản hơn nhiều không?
Đến giữa năm học, mình đã gửi hơn 100 đơn, nhưng cũng chỉ được nhận ở 1 ngân hàng, làm IT, là công việc mình cũng không thích lắm. Nên mình cứ tạm nhận offer đó nhưng vẫn apply tiếp những chỗ mình thích.

Sau đó mình được nhận vào chương trình Data Science Fellowship của Microsoft Research. Chương trình này cực kỳ hay: 1 tháng đầu là các Data Scientist ở Microsoft Research dạy mình, 1 tháng sau là làm project. Và gần như là mình được trả tiền để đi học. Làm project xong, bọn mình còn được mang project đi trình bày ở các hội thảo. Ví dụ Microsoft Research đã cho mình tiền để đi hội thảo Grace Hopper. Và nhờ hội thảo đó mà mình đã tìm được nhiều cơ hội full-time rất tốt.

Từ đó mình cũng rút ra được là môi trường làm việc rất quan trọng. Ví dụ như môi trường ở chương trình Microsoft của mình, mọi người đều rất hỗ trợ lẫn nhau và tạo cơ hội cho nhau. Nên mặc dù biết là tham gia chương trình đó thì sẽ không thể nào có cơ hội có full-time offer ở Microsoft Research (vì những người đang làm ở đó đều có bằng PhD & các công trình nghiên cứu nổi tiếng), nhưng mình vẫn tham gia vì biết là sẽ học hỏi được nhiều.

Vậy là sau khi tham gia Data Science Fellowship của Microsoft Research, và đi hội thảo Grace Hopper, bây giờ bạn đã có full-time offer trong ngành tech?
Sau hội thảo Grace Hopper thì mình đã có 2 offers, ở Wal-mart & ADP, đều là vị trí tech. Cuối cùng mình đã chọn Global Technology Program ở ADP. Offer của họ cũng rất tốt, lương và các thứ đi kèm rất cạnh tranh.

Mình biết là sau có 1 năm thì mình không thể giỏi về kỹ thuật như các bạn học CS. Nhưng mình biết là mình ở bên business sang thì kỹ năng trình bày, kỹ năng pitch bản thân của mình rất tốt, gần như ở hội thảo mình giới thiệu bản thân ở công ty nào thì cũng được nhận phỏng vấn. Dù mình sau đó có trượt, nhưng cũng đã có được rất nhiều mối liên lạc mà mình sẽ giữ, để sau này giỏi hơn có thể thử lại.
Bây giờ thì mình chắc là sẽ nhận offer ADP, và cố gắng học, cố gắng network để dẫn đến các cơ hội tốt hơn. Con đường vượt vào ngành tech của mình như vậy tạm coi như là từ số 0 đến số 0.5 rồi.

Vậy trên con đường từ 0 đến 0.5 đó, theo bạn bao nhiêu % là may mắn, bao nhiêu % là cố gắng của bản thân?
Mình sẽ để may mắn chắc là 20%, 40% là sự giúp đỡ của người khác. Còn lại là mình cố gắng học. Vì thực ra nếu không có sự giúp đỡ của các mentor, của mọi người ở Microsoft đã giúp mình đi hội thảo, thì mình cũng không thể nào tìm được việc.

Đấy là khi đánh giá mức độ thành công khi tìm được việc trong ngành tech. Còn nếu đánh giá mực độ hiểu bản thân mình, biết được mình muốn làm gì, thì vai trò của những người khác còn lớn hơn nữa.

Qua quá trình của mình, mình nhận ra là nhiều khi không cần phải trải nghiệm thì mới biết mình muốn gì, ở đâu, mà mình có thể hiểu được chuyện đó qua việc học hỏi từ trải nghiệm của những người khác.

Cảm ơn Phương, và chúc bạn tiếp tục từ 0.5 lên 1.0 và hơn nữa!

Nếu bạn cũng muốn đóng góp câu chuyện của mình, hay biết ai đó có một câu chuyện tìm việc truyền cảm hứng tương tự, hãy gửi email cho VNPN tại career.vnpn@gmail.com nhé!

Bài: Hoàng Phong

Chỉnh sửa: Hoàng Phong, Khánh Hoà

VNPN Marketing & Community Relations Team