Hành trình và trải nghiệm làm việc tại các start up và trong ngành vận động chính sách của bạn Jill Nguyễn.

Chào bạn, bạn có thể tự giới thiệu bản thân một chút được không?

Mình tên là Nguyễn Đỗ Hà Giang, mọi người còn hay gọi là Jill Nguyễn. Mình sang Mỹ từ năm 2008, học cấp 3 nội trú. Sau đó mình tốt nghiệp trường Hendrix ngành quan hệ quốc tế.

Mình hiện đang là giám đốc đối tác (Head of Partnerships) tại OhmniLabs. Mình mới chuyển sang OhmniLabs vào tháng 8/2018. Trước đó, mình đã làm việc ở Washington, D.C. trong vòng 3 năm, tại một công ty cung cấp công nghệ phần mềm cho các chiến dịch vận động chính trị & chính sách công.

Bạn có thể mô tả thêm một chút về công ty đang làm & vị trí giám đốc đối tác được không?

OhmniLabs là một startup về robot, có khoảng 20 nhân viên. Mục tiêu của OhmniLabs là giúp thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm robot mới - một quá trình bình thường rất mất công và đắt tiền - trở nên nhanh hơn, với giá thành rẻ hơn thị trường.

Vị trí của mình là Head of Partnerships, nhưng hiện mình tập trung nhiều về mảng growth (phát triển thị trường - PV). Công việc của mảng growth là làm việc với nhiều nhóm khác nhau như cả một hệ sinh thái, với mục tiêu là tăng  thu nhập của công ty, có bao gồm cả sales, PR, marketing, partnerships …
Công việc hàng ngày của mình gồm tham gia hội thảo, sự kiện, theo dõi các chỉ số bán hàng, gặp các đối tác sản xuất, đối tác truyền thông, khách hàng.

Không học ngành công nghệ, nhưng đã làm trong thế giới tech rất lâu. Vậy Jill bắt đầu như thế nào?

Mọi chuyện hoàn toàn tình cờ thôi. Trước khi ra trường, mình đi intern khá nhiều ở các công ty về chính sách công, nhưng thấy môi trường ở đó rất chậm. Lúc bắt đầu xin việc fulltime, mình cũng nộp hồ sơ cho cả trăm công ty. Trong đó có công ty Phone2Action, Inc. rất mới, lúc đó số lượng nhân sự mới có 4 người.

Lúc đầu, công ty không định phỏng vấn mình onsite, nhưng sau đó khoảng 2 tuần, mình có đi hội thảo ở D.C., nên mình chủ động xin một cuộc phỏng vấn. Và cuối cùng thì công ty phỏng vấn mình ngay tại WeWork.

Sau đó một thời gian, mình không thấy ai liên lạc lại. Mình liên lạc với họ cũng không thấy hồi âm. Thế là mình lên website của công ty và request demo sản phẩm để họ phải liên lạc với mình. Hôm sau, giám đốc công ty gọi cho mình và nói rằng mình đã được nhận, không cần request demo nữa.

Khi đàm phán về offer, mình muốn công ty đầu tư cho mình hơn, và lúc đó có một thời gian chờ OPT, phải ở D.C. mà không được đi làm, nên mình đàm phán được công ty cho mình đi học một lớp web development, tuần 2 buổi mỗi buổi 3 tiếng, ở General Assembly. Sau đó, dù không trực tiếp làm lập trình, nhưng mình thấy những kĩ năng này cũng rất có ích.

Vậy công việc của bạn ở Phone2Action, Inc là gì?

Mình làm tất cả các thứ! Từ việc lên strategy, đi công tác theo dự án cho khách hàng, tổ chức events, viết báo cáo case studies giúp Marketing, cho tới viết thiệp và gửi quà Giáng sinh cho các nhà đầu tư và đối tác. Nói chung phải làm khoảng 80 tiếng/tuần, đủ các thứ việc để có thể xây dựng được một công ty.

Phone2Action thắng một hợp đồng rất lớn vào tháng 12 năm 2015, và 8 người đầu tiên thuộc công ty rất thân nhau vì làm việc đêm ngày để có được hợp đồng lớn đầu tiên. Sau đó công ty gọi được vốn (series A) và mở rộng rất nhanh. Nhóm “original kids" này đến nay vẫn là những người mình tôn trọng và thân thiết nhất. Vì khi đã trải qua những thử thách như thế, thì có một sự gắn bó mà khó có gì khác có thể so sánh được.

Lúc đầu mình vào, mình là nhân viên thứ 5. Lúc mình rời đi thì công ty có khoảng 80 người, và từ một góc nhỏ nhỏ của WeWork thì nay đã có cả một tầng làm văn phòng.

Khi được nhận vào một công ty nhỏ như vậy, bạn có lo lắng về những vấn đề như visa sponsorship không?

May mắn cho mình là chủ tịch công ty cũng là người nhập cư, nên rất thông cảm cho tình cảnh của sinh viên nước ngoài như mình. Sau 3 tháng thử việc, công ty đồng ý sponsor visa cho mình.

May mắn nữa là năm đầu mình trúng xổ số H1B ngay. Công việc của mình lúc đó thì không phải một chuyên môn rõ ràng, và lại làm trong một ngành rất mới là dùng công nghệ để vận động chính trị. Thế nên là mình bị RFE (Request For Evidence), và cũng rất khó cãi. Công ty thì rất lo, còn mình thì đi nhờ hết các giáo sư ở trường cũ viết thư để ủng hộ, dùng cả luận án năm cuối để bảo vệ là công việc của mình đặc biệt và liên quan đến ngành học.

Mình bị RFE tận 5 tháng, nên mấy tháng cuối không được đi làm vì hết OPT. Đến tháng 12 thì visa mới được chấp nhận. Lúc đó bà sếp của mình mừng quá, nước mắt lưng tròng. Công ty có một cái cồng để đánh mỗi lúc kí được hợp đồng. Hôm nghe tin mình được visa, sếp mình ra đánh cồng hẳn mấy phát.

Làm việc với áp lực cao như thế, Jill có bao giờ thấy nghi ngờ lựa chọn nghề nghiệp của mình không, rằng mình đã chọn một ngành quá khó khăn?

Mình nhớ lúc tháng 8/2015, lúc đó mình mới đi làm được 2 tháng, và được đi business trip đầu tiên trong đời. Lúc ngồi ở sân bay, sếp mình hỏi, bạn bè mình có ai mới đi làm 2 tháng ở công việc đầu tiên mà đã được đi công tác với sếp, gặp đối tác lớn như thế này chưa.

Mình luôn cảm thấy được làm việc là một điều rất là vui, được visa sponsorship là một điều may mắn. Hơn nữa công việc mình làm tạo ra những ảnh hưởng tích cực, tạo ra giá trị cho xã hội, như là dự án toàn cầu kêu gọi 2 công ty dược phẩm lớn hạ giá vaccine cho tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, hoặc chiến dịch bảo vệ Net Neutrality (luật bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải cho tất cả các trang web tốc độ truy cập như nhau - PV).

Mình cũng rất yêu các cảm giác làm việc ở một startup, xây dựng từ chỗ không có gì thành có gì. Cảm giác chiến đấu, xây dựng cùng đồng đội ở một startup là cảm giác không thể thay thế được.

Tóm lại mình nghĩ là do hệ giá trị của mỗi người thôi. Đối với mình, mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm ngành finance, và mình cũng không thấy theo đuổi con đường của mình là khổ.

Bạn đã làm thế nào để đương đầu với áp lực công việc?

Thứ nhất là mình dành thời gian cho bản thân. Dù bận thế nào, mình cũng cố gắng tiết kiệm tiền và thời gian để đi du lịch một năm 2-3 lần. Khi đi du lịch, mình báo trước với công ty và cắt hết liên lạc luôn, không gọi điện, không email gì hết. Dĩ nhiên là trừ phi việc nguy cấp lắm, trời sập đến nơi, không thì đừng có gọi cho mình.

Thứ hai là việc giữ cho sức khoẻ thể chất được tốt. Trước đây, mình cũng không chăm chỉ đi tập lắm, nhưng mà khi đi làm rồi thì mình thấy là có sức khoẻ mới có thể trụ được với công việc. Mình không hợp với môn thiền, nhưng mình thấy tập thể dục đều đặn và chăm sóc cho sức khoẻ tinh thần, dành thời gian để thư giãn là rất quan trọng.

Bạn có thấy vị trí mình làm: gặp mặt đối tác, khách hàng rất nhiều, và trước đây là trong ngành chính trị, có khó khăn cho người Việt Nam không?

Dĩ nhiên là có khó khăn. Mình nghĩ các bạn Việt Nam mới ra trường có thể không thấy tự tin vì nhiều lý do. Ví dụ như mình khi đến công ty là người trẻ nhất, là phụ nữ, là người da màu. Nhưng nếu lúc đấy mình tự dìm bản thân mình xuống, không tự tin, thì người làm việc với mình sẽ nhìn thấy ngay.

Mình luôn hướng dẫn các nhân viên mới rằng khách hàng trông đợi vào việc mình là expert (chuyên gia - PV) trong việc ứng dụng công nghệ của công ty cho chiến dịch của họ. Hãy chứng tỏ mình là expert. Ăn mặc chỉnh chu, nói năng tự tin, dõng dạc. Mình rất ấn tượng với cách nói chuyện của Megyn Kelly. Mình không thích Megyn Kelly, không đồng ý với các quan điểm của Megyn Kelly, nhưng mình phải công nhận cách ăn mặc, cách phát biểu của cô ấy rất tốt.

Thực ra thì khi làm về chính sách, mình chưa bao giờ bị người khác làm cho mình cảm thấy là “the other" - người ngoài cuộc. Mình cũng chưa bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử. Lời khuyên riêng của mình đối với ngành chính sách: đầu tiên là các chức danh, các vị trí quan trọng, hay là phe phái chính trị thì cũng chỉ là cái mác thôi. Đến lúc làm việc thì mối quan hệ, kết nối thực sự quan trọng hơn rất nhiều. Đừng mang cái mác “theo chủ nghĩa bảo thủ”, “theo chủ nghĩa tự do" để chứng tỏ bản thân. Mình đồng ý với nhiều chính sách của Đảng Dân Chủ, nhiều đồng nghiệp, bạn bè, và khách hàng của mình đồng ý với Đảng Cộng Hòa, và không có mâu thuẫn gì trong cuộc sống hay công việc cả.

Vậy bạn có thoải mái thể hiện cá tính là người Việt Nam (embrace your Vietnamese identity) của mình khi đi làm không?

Dĩ nhiên là có chứ. Càng ở Mỹ lâu thì mình lại càng thoải mái với nó hơn. Và việc mình là người Việt cũng có thể rất có lợi cho mình. Câu chuyện mình đến nước Mỹ đi du học, đi làm như thế nào, đối với bản thân thì mọi người có thể thấy rất bình thường, nhưng đối với người Mỹ thì câu chuyện đó có thể rất đặc biệt, làm họ rất coi trọng, nhìn mình bằng con mắt khác.

Ví dụ như sau khi mình kể câu chuyện của mình và những khó khăn về visa cho Gary Shapiro, chủ tịch của Consumer Technology Association (Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng), ông ấy rất ấn tượng, và còn viết cả một bài blog để ủng hộ mình. Đến bây giờ, Gary Shapiro mỗi lần gặp mình ở các sự kiện hay hội nghị vẫn đều giới thiệu mình cho người khác và bảo mình kể lại câu chuyện sang Mỹ của mình.

Nhân thể đang nói đến chuyện đi học, vậy bạn sang Mỹ từ năm 14 tuổi để đi học. Lúc đó bạn apply như thế nào, khi đi học thì có khó khăn gì không?

Lúc đó ở Việt Nam cũng chưa có nhiều người đi du học Mỹ như bây giờ. Mình tự apply, thông tin thì tìm hiểu qua VietAbroader thôi. Lúc đó bố mẹ cho mình tầm 200 đô tiền apply, tiền thi TOEFL, tất cả các thứ.

Dĩ nhiên là đi học xa nhà từ lúc ít tuổi như thế cũng rất khó khăn, nhưng mình thấy nó giúp mình trưởng thành rất nhiều. Ví dụ như bây giờ những lúc cảm thấy bất lực hay là stress, mình vẫn tự hỏi là liệu mình có đang cố gắng được như kỳ vọng của chính bản thân mình lúc 14 tuổi hay chưa, và đó trở thành một động lực rất lớn cho mình.

Bạn có lời khuyên gì cho bản thân mình lúc 18 tuổi không?

Đừng lo lắng nữa, mọi việc sẽ ổn thôi!

Lúc apply đi học, bố mẹ mình không biết nhiều về chuyện du học, nên cũng không giúp được gì. Sau này lúc tìm việc, mình gửi cũng phải đến 100 cái đơn. Rồi thì thấy lo lắng không ngủ được. Mình muốn bảo với mình lúc đấy, và các bạn bây giờ cũng trong tình cảnh tương tự là hãy bình tâm lại.

Một điều nữa là hãy luôn đặt sức khoẻ lên làm số 1. Bây giờ mình ước gì mình đã tận dụng các cơ sở vật chất rất tốt ở đại học, phòng gym, sân bóng rất xịn.

Cuối cùng là các bạn đang đi học, vẫn có thời gian thì nên thử tìm side hustle (kinh doanh tay trái). Thứ nhất là để làm cho vui, nhưng nó cũng thể biến thành cái gì đó lớn hơn, dạy cho mình nhiều thứ trường lớp không dạy được, giúp mình mở rộng network. Điểm số không phải quan trọng nhất. Việc học tốt ở trường đánh giá là bạn có kỷ luật, chăm chỉ, chưa chắc đã thể hiện là bạn ra ngoài đi làm sẽ giỏi. Cần phải dành một phần thời gian để học cách tạo quan hệ, cách tìm mentor, thậm chí cách viết email có đầu đuôi, có lịch sự. Tất cả những cái đó là những cái “street smart” mà các bạn trẻ nên biết.

Mình có một câu mình rất thích đó là:

“Schooling is about finding you at your worst. Career is about finding you at your best.”

Khi đi học thì phải các môn đều giỏi, điểm đều phải cao thì GPA mới cao. Khi đi làm thì mình cần phải tìm được sở trường, cái mình giỏi nhất, đam mê nhất để làm.

Bạn cũng đã đạt được một số thành công nhất định trong cuộc sống. Vậy bạn nghĩ bao nhiêu phần là do may mắn, bao nhiêu phần là do cố gắng của bản thân?

Mình nghĩ thành công mình đạt được cũng chỉ ở mức độ cá nhân mà thôi. Nhưng để làm được điều gì trong cuộc sống, mình thấy “grit” (nghị lực) là quan trọng nhất. Khi cực kỳ cố gắng, cực kỳ quyết tâm thì may mắn sẽ đến với bản thân.

Hơn nữa là kể cả có không may mắn, dù có không được visa sponsor, thì mình nghĩ mình vẫn sẽ ổn. Điều quan trọng là mình phải có một góc nhìn khác để đánh giá cuộc sống. Không chỉ dùng lương hay điểm số, có thể dùng việc mình đạt được bao nhiêu phần trăm khả năng của mình. Có một câu nữa mình rất thích đấy là “Die empty", tức là trong cuộc sống hãy dốc hết sức mình, để sau này không còn gì hối tiếc là mình chưa cố gắng đủ.

Nếu bạn cũng muốn đóng góp câu chuyện của mình, hay biết ai đó có một câu chuyện tìm việc truyền cảm hứng tương tự, hãy gửi email cho VNPN tại career.vnpn@gmail.com nhé!

Bài: Hoàng Phong

Chỉnh sửa: Hoàng Phong, Khánh Hoà

VNPN Marketing & Community Relations Team