Trong bài viết lần này, VNPN xin chia sẻ câu chuyện tìm việc đầu tiên tại Mỹ đầy cảm hứng của bạn Huyền - hiện đang là Asset Liability Analyst tại Centennial Bank. Huyền từng tham gia P-CAME với vai trò Mentee. Buổi phỏng vấn được thực hiện bởi chị Linh Nguyễn – Coordinator của mạng lưới chuyên gia Việt Nam tại Mỹ.

Em có thể cho các bạn biết một chút về bản thân em được không? Em tham gia chương trình cố vấn nghề nghiệp của mạng lưới chuyên gia Việt Nam từ năm nào và hiện tại em đang công tác ở đâu?

Em xin chào chị Linh và các bạn! Em là Huyền, em tốt nghiệp chương trình MBA của University of Wisconsin at Madison, chuyên ngành (major) Corporate Finance và Investment Banking. Chương trình của em không có STEM. Hiện tại em đang làm Asset Liability general analyst ở Centennial Bank, bang Arkansas. Em tham gia CAME từ tháng 8 năm 2019 ạ.

Lý do nào khiến Huyền tham gia mạng lưới chuyên gia Việt Nam tại Mỹ (CAME)?

Từ năm đầu tiên học cao học, em cũng rút ra được 1 số kinh nghiệm về tìm việc làm ở Mỹ. Mục tiêu của em khi đó là Investment Banking và Equity Research, nhưng lúc đầu chiến lược tìm việc làm của em khá là sai. Em tưởng rằng để có được 1 việc làm như ý, em cần phải rất giỏi về Technical Skills (kỹ năng chuyên môn): ví dụ như là mình phải xây dựng 1 cái mô hình tài chính về mua bán sát nhập (M&A) thật hoành tráng, hay là mình phải làm được những slides thật màu  mè hoa lá. Em nghĩ rằng nếu mình cực kỳ giỏi,  theo kiểu giỏi chuyên môn thuần túy, người ta sẽ sẵn sàng tuyển mình vào. Nhưng mà đây là 1 cách làm rất là sai.

Sau này em học được rằng ở Mỹ, những người có năng lực giỏi chuyên môn chưa chắc là những người sẽ có được việc làm. Vấn đề là ở Mỹ, network (mạng lưới quan hệ) của mình là yếu tố rất quan trọng. Sau đó, trong quá trình tìm cơ hội thực tập, em xem được 1 buổi webminar của hội chuyên gia Việt Nam tại Mỹ (VNPN). Em rất thích các chương trình chia sẻ như thế và em quyết định là mình phải tìm được 1 mentor, có 1 đường hướng rõ ràng và tìm việc làm 1 cách hiệu quả hơn. Từ đó, em quyết định tham gia CAME (chương trình cố vấn nghề nghiệp 1-1 của VNPN).

Như em đã nói với chị, em cảm thấy câu chuyện của mình cũng rất bình thường, không có gì đặc biệt cả. Những gì em đã làm cũng đều là học hỏi từ mọi người đi trước rồi. Mọi người cũng đã chia sẻ rất nhiều rồi. Em chỉ muốn chia sẻ với các bạn đã/đang và sẽ phải trải qua thử thách trong quá trình tìm việc ở Mỹ rằng, em chỉ là 1 người rất bình thường với 1 nền tảng rất bình thường. Nếu em làm được thì các bạn cũng sẽ làm được!

Vậy Huyền có thể chia sẻ cho các bạn biết, khi Huyền xin việc giữa mùa Covid, thì quá trình làm việc với mentor và xin việc làm của Huyền có những khác biệt gì không?

Em nghĩ rằng năm 2020 là 1 năm đầy bất ngờ, có lẽ không 1 cái chiến lược bài bản nào có thể áp dụng được cho năm 2020. Hồi làm thực tập cho 1 công ty tài chính ở Mỹ, em khá may mắn là mình có 1 bác sếp rất là tốt. Tháng 2 năm 2020, bác ấy nói với em là tao vừa mới nhận 1 vị trí mới. Bác ấy sẽ là Managing Director (giám đốc quản lý) cho 1 bộ phận ở US Bank. Bác ấy có lời mời (verbally offer) em sẽ qua làm cho bộ phận của bác ý trong US Bank. Bác ấy đã trao đổi với bộ phận nhân sự về tình hình visa của em rồi. Khi đó thì US Bank cũng ý thức về tình hình visa của em và sẵn sàng hỗ trợ xin visa làm việc diện H1B cho em sau khi tốt nghiệp. Vậy nên suốt kì học mùa xuân năm 2020, em tập trung vào các cuộc thi lấy giải thưởng trong ngành Investment Banking. Em vẫn còn nhớ vào tháng 4, khi em quay trở về từ Canada sau 1 cuộc thi, em nhận được cuộc gọi của bác sếp là bây giờ US Bank đang cắt giảm ngân sách. Bên nhân sự cũng rất băn khoăn về tình hình visa của mày là thời hạn (OTP) không phải 3 năm mà là 1 năm thôi. Nên rất tiếc là US Bank không thể nhận em vào làm việc được. Thế là lúc đấy em mới vỡ òa ra để đi tìm việc.

Lúc ấy trên cả nước Mỹ tình hình thất nghiệp đang lên đến đỉnh điểm. Lúc đấy em mới bắt đầu nộp đơn, bắt đầu network. Thậm chí là khi em gọi người ta, họ còn nói với em là họ mới bị sa thải xong, họ còn không biết họ sẽ đi đâu về đâu. Thế là mình network kiểu thay vì xin lời khuyên, hỏi kinh nghiệm, nhờ giúp đỡ, em lại phải làm việc ngược lại là mình phải đi động viên người ta “Không sao đâu, mày vẫn còn rất nhiều cơ hội. Mày không có những hạn chế về quốc tịch, về visa như tao nên là mày sẽ ổn thôi?!”

Khi đó, em nhớ tới 1 lời chia sẻ của bác giám đốc chương trình MBA của em: “Số phận con người ta được quyết định bởi 3 yếu tố: may mắn, chiến lược và thói quen. May mắn là 1 thứ mình không kiểm soát được. Nhưng 2 yếu tố còn lại thì con người kiểm soát được, và nếu làm tốt 2 yếu tố này thì yếu tố còn lại – sự may mắn – sẽ bằng cách nào đó diễn biến theo chiều hướng có lợi cho mình” Em bắt đầu lên chiến lược network cho mình theo 2 hướng:

1.      Thứ 1 là mạng lưới cựu học sinh (alumni) của chương trình MBA trường Wisonsin – Madison nơi em học

2.      Thứ 2 là các công ty lớn, có lịch sử hỗ trợ visa lâu năm đang mở rộng tuyển dụng trong thời kỳ Covid.

Khi em liên lạc với mạng lưới cựu học sinh, các anh chị đều rất tốt và nhiệt tình giúp đỡ. Nhưng tiếc là thời điểm tháng 5 là thời kỳ đóng băng tuyển dụng của rất nhiều công ty. Ngay cả khi có referral (giới thiệu), mình cũng chưa chắc có được việc làm. Vậy nên ngoài chiến lược nhờ internal referral (giới thiệu nội bộ), em đánh trọng tâm vào cách công ty lớn, có truyền thống hỗ trợ visa lâu năm như Amazon. Em nhớ là chỉ với 1 công ty như Amazon, em nộp đến gần 500 hồ sơ (applications).

Sau khi khủng bố Amazon thì 1 ngày đẹp trời, nhân sự của Amazon cũng gọi điện cho em để phỏng vấn. Em vẫn nhớ đó là 1 ngày đầu tháng 6, trong vòng phỏng vấn đầu tiên, nhân sự của Amazon hỏi về tình hình visa của em. Khi biết rằng visa chương trình MBA của em là 1 năm (non-STEM OPT), chị ấy bảo rằng rất tiếc với bộ phận tài chính (Finance), Amazon chỉ chấp nhận sinh viên các chương trình visa có thời hạn 3 năm (STEM OPT). Em nghiệm ra rằng, các bạn học chương trình MBA mà không có STEM là 1 bất lợi cực kỳ lớn...

Nhưng trong cái rủi có cái may, chính điều bất lợi này lại trở thành 1 lợi thế để em xin được công ty hiện tại hỗ trợ làm thẻ xanh (Green Card) cho em.

Chị đồng ý với em, chương trình MBA có STEM hay không là 1 yếu tố rất đáng cân nhắc cho các bạn du học sinh chuẩn bị lựa chọn học lên cao học tại Mỹ. Vậy Huyền có thể chia sẻ với chị và các bạn, em làm thế nào để biến bất lợi của em từ 1 sinh viên MBA không có STEM thành lợi thế xin được thẻ xanh không?

Vâng, như chị biết vì hạn chế visa và chương trình MBA không có STEM mà em bị từ chối lần 1 bởi ngân hàng US Bank dù có thư giới thiệu và sự hỗ trợ của bác Managing Director. Nhưng công sức đó không phải là hoàn toàn vô ích, bác Managing Director đã đấu tranh quyết liệt và nhờ các mối quan hệ của bác để giới thiệu nội bộ em sang 1 phòng ban khác. Ngoài ra trong quá trình phỏng vấn với US Bank, em quen thêm được 1 người bạn tốt nữa. Bạn ấy tên là Sam, khi em gọi điện cho bạn ấy để hỏi về kinh nghiệm phỏng vấn bạn ấy đã chia sẻ tất cả những điều bạn ấy biết về vị trí đấy. Ví dụ như là ngày mai em sẽ phỏng vấn với những người nào, tính cách họ ra sao, rồi ngày xưa bạn ấy từng phỏng vấn vị trí đấy như thế nào. Bạn ấy khuyên em nên xem bộ phim “The Big Short”. Thế là cả đêm hôm đấy em chỉ dành để xem bộ phim “The Big Short”. Đây là bộ phim nói về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Em giới thiệu bộ phim này cho các bạn muốn làm việc trong ngành đầu tư tài chính vì cho rằng đây là 1 bộ phim rất đáng để xem.

Thế là hôm sau đi phỏng vấn, em mở đầu luôn là em xem bộ phim đấy nên em rất hứng thú với vị trí này, và đấy là lý do tại sao em đến Mỹ. Thế là cả buổi phỏng vấn mọi người chỉ chém với nhau về bộ phim, nào là nhân vật này trong phim là khách hàng của tao, tao suýt bị nó lừa, vân vân mây mây. Cũng nhờ buổi phỏng vấn rất ấn tượng đó mà em cuối cùng đã nhận được lời mời làm việc chính thức (job offer) từ 1 bộ phận khác trong US Bank.

Cái hôm nhận được job offer, thì là lúc em nhận được lời mời phỏng vấn vòng 2 của vị trí hiện tại em đang làm (Centennial Bank). Lúc đấy thật sự sau 1 thời gian tìm việc quá căng thẳng, em đã từng nghĩ rằng hay là thôi, không phỏng vấn nữa vì em đã có việc làm rồi. Nhưng khi đó, chính thói quen (habit) đã đẩy em đi tiếp trong vô thức. Sau nhiều tháng trời, em đã quen với việc 1 ngày mở mắt ra là phải xin việc, nhìn cái outlook calendar (lịch làm việc) trong ngày phải kín thì mình mới hứng thú. Thế là em lại chấp nhận phỏng vấn tiếp.

Lúc đó thì tâm trạng em cũng khá thoải mái rồi. Vòng 1 em phỏng vấn với CIO và VP của ngân hàng về kỹ năng chuyên môn (Technical Skills) khá tốt. Đến vòng thứ 2 là phỏng vấn với CFO, thì vòng này đòi hỏi mình phải là 1 người biết diễn đạt, kể chuyện (story teller) tốt. Em biết rằng kinh nghiệm làm ngân hàng của em ở Việt Nam chưa chắc đã áp dụng được ở Mỹ, kinh nghiệm thực tập của em ở Mỹ thì cũng mới có 3 tháng thôi, đó cũng không phải cái gì quá đáng kể. Giữa rất nhiều sinh viên cũng có kinh nghiệm – học vấn na ná như mình, thì cách mình kể câu chuyện làm sao cho thuyết phục được bác CFO cũng là điều em đã luyện tập rất nhiều từ trước khi phỏng vấn.  Lúc đó em cũng nói với bác CFO là em đã có lời mời làm việc từ US Bank, ban đầu bác ấy cũng chỉ đồng ý hỗ trợ làm visa H1B cho em thôi chứ chưa đến mức làm thẻ xanh.

Qua mạng lưới cựu sinh viên trường, em quen 1 người bạn nữa ở Cali đã từng trải qua kinh nghiệm như em: có 2 job offers tại Mỹ. Bạn ấy đã dùng cái offer đầu tiên để mặc cả với nhà tuyển dụng của cái offer thứ 2. Em hỏi xin bạn ấy cái mẫu thư (email template) bạn ấy đã dùng để thương lượng, làm sao để thuyết phục nhà tuyển dụng mà không bị quá đòi hỏi đến mức mình có thể bị mất offer. Dựa trên mẫu thư đó, em thay đổi 1 chút và gửi cho bác CFO của ngân hàng em bây giờ. Và bác ấy đồng ý hỗ trợ làm thẻ xanh cho em ngay lập tức. Có lẽ vì US Bank có 1 thương hiệu lớn hơn, rồi vị trí em được US Bank offer ở 1 thành phố lớn hơn để mặc cả. Quan trọng nhất là em cũng dùng lời lẽ chân thành rằng visa H1B là hệ thống xổ số rất may rủi, em đã lên kế hoạch làm việc lâu dài cho ngân hàng hiện tại như thế nào, chia sẻ những bước đi tiếp theo của em về việc tận dụng thời hiệu của OPT hoặc CPT thì việc hỗ trợ thẻ xanh sẽ là giải pháp tốt nhất để em làm việc cho ngân hàng ra sao.

Cuối cùng, điều mà em đã luôn day dứt dằn vặt mình trong suốt 3 tháng “Tại sao em đã không tìm hiểu kĩ và chọn 1 chương trình MBA không có STEM trước khi sang Mỹ” đã bất ngờ trở thành 1 lợi thế mặc cả và cho em 1 kết quả cuối cùng như bây giờ.

Ngoài ra, chị rất ấn tượng về cách Huyền đã xây dựng được 1 thói quen nỗ lực đi tiếp cuộc hành trình xin việc vô cùng căng thẳng và mệt mỏi của mình. Em không hề dừng lại ngay cả khi tưởng chừng đã đạt được mục đích. Trong 3 yếu tố mà em chia sẻ (may mắn – chiến lược – thói quen), nói thật thói quen là tốn nhiều thời gian hình thành nhất. Nó đòi hỏi 1 sự nỗ lực bền bỉ trong thời gian dài mà em hình thành nên được trong khoảng thời gian 3 tháng là cực kỳ nhanh. Ngay cả chị cũng chưa chắc làm được như vậy...

Em cũng không biết đây có phải 1 điểm tốt để chia sẻ không, vì em biết 1 số bạn có những chiến lược hiệu quả hơn và đạt được những job offer tốt chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng trong thường hợp của em, sau khi thử nhiều chiến lược không hiệu quả, thì em đã chọn cách tăng số lượng hồ sơ xin việc.

Lượng đổi chất đổi phải không? Chị là cũng hay sử dụng chiến thuật này lắm...

Vâng, khi đó em hiểu là mình có rất nhiều bất lợi nên phải tận dụng bất kỳ cơ hội nhỏ nhất nào. Em quyết định coi “xin việc làm” là 1 cái full time job (việc làm toàn thời gian) rất quan trọng đối với cuộc đời của mình. Lúc đó em thậm chí không ra ngoài, cũng không nói chuyện với gia đình. Vì nếu nói chuyện với bố mẹ, các cụ cũng không hiểu được cảm giác của mình luc đó. Khéo thấy mình vất vả quá, các cụ lại còn khuyên mình về nhà đi, ở đấy làm gì. Nhà em cũng neo người nên em còn biết là bố mẹ em còn suốt ngày cầu cúng xin các cụ cho em về nhà sớm chứ không thiết tha gì việc em ở lại Mỹ đi làm. Em cũng không thể chia sẻ với các bạn, vì mọi người lúc ấy cũng đồng cảnh ngộ với mình, em không muốn làm các bạn gánh thêm tâm trạng nặng nề lo lắng của em. Suốt hành trình đó, em cảm thấy rất cô đơn. Chỉ có em luôn tự động viên mình “Rồi mọi việc sẽ ổn”

Mỗi ngày mở mắt ra là em sẽ khởi đầu ngày mới bằng cách network (kết nối) từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. 8 giờ sang ở New York là khoảng 7 giờ sáng chỗ em. Vậy là em sẽ dậy từ 6 rưỡi sáng, trang điểm mặc quần áo nghiêm túc giống như mình đang đi làm ấy ạ. Từ ngày ở Việt Nam, em đã quen với công việc vất vả nên mình lúc nào cũng phải tươi tắn. Thế là cũng trang điểm, nhìn vào gương tự động viên “Hôm nay là 1 ngày mới”. Em cố gắng làm sao để lấp kín cách cuộc gọi, cuộc phỏng vấn trong lịch trình làm việc trong ngày của em. Khi xin việc chăm chỉ, có nhiều cuộc hẹn, cuộc phỏng vấn như vậy em cảm thấy như mình đang có 1 việc làm thật sự. Mỗi ngày nhìn lịch trình thật là kín, em cảm thấy mình được hồi sinh giữa tình trạng tuyệt vọng của chính mình.

Em tự đặt ra mục tiêu cho mình, mỗi ngày hoặc mỗi tuần phải nộp thêm bao nhiêu hồ sơ xin việc. Với những công việc em rất thích, em đặt ra mục tiêu phải tìm được từ 10-15 kết nối đang làm việc cho công ty đấy để gửi tin nhắn Linkedin xin kết nối và cuộc hẹn gặp đối với họ. Từ kinh nghiệm đó em thống kê được rằng, với mỗi vị trí yêu thích ở 1 công ty, nếu gửi từ 10 đến 15 kết nối qua linkedin thì em sẽ có được khoảng từ 2 đến 3 cuộc hẹn gặp qua điện thoại. Qua các cuộc hẹn gặp điện thoại đó, em vừa cải thiện được khả năng tiếng Anh, lại vừa có thể coi những buổi hẹn đó như 1 cái mock interview (luyện tập phỏng vấn). Mình vừa có thêm kiến thức về chuyên ngành đó, về công ty đó và vị trí đó. Nếu may mắn thì mình sẽ có được 1 cái giới thiệu nội bộ (referral).

Nhưng em thấy rằng, mối quan hệ là thứ phải xây dựng lâu dài và dựa trên sự chân thành.

Có rất nhiều người rất là tốt, ngay từ buổi nói chuyện đầu tiên họ đã sẵn sàng giới thiệu em làm việc luôn. Nếu không thì họ cũng giới thiệu em đến những người khác có thể giới thiệu em. Đôi khi, họ cũng hỏi thăm em là “Hailey, how are you doing?” Em muốn nhấn mạnh rằng, sự chân thành trong kết nối rất là quan trọng...

Có 1 người chị em rất thần tượng ở Wall Street. Trong thời điểm em cảm thấy tuyệt vọng nhất, em có nhắn tin chúc mừng sinh nhật chị ấy. Chị ấy cũng hỏi thăm em, rồi động viên em 1 câu mà em đã phải chụp lại cái màn hình ấy để thỉnh thoảng nhìn vào, em biết rằng vẫn có người tin tưởng vào khả năng của em. Chị ấy nói rằng “You are strong and smart” (em thật mạnh mẽ và thông minh). Hàng ngày em nhìn vào cái màn hình ấy, nhìn vào câu nói ấy và tự nhủ với mình rằng “Chị ấy tin tưởng mình thì chắc chắn mình sẽ làm được”. Cho nên em tin là việc xây dựng mối quan hệ chân thành nó rất là quan trọng. Nó không chỉ giới hạn ở việc người ta sẽ giới thiệu cho mình vị trí này, vị trí kia mà quan trọng hơn là họ sẽ cho mình những lời khuyên được đúc kết từ mấy chục năm kinh nghiệm đi làm của họ. Cái đấy mới là điều đáng quý. Hoặc họ sẽ cho mình những lời động viên trong những lúc mình thất vọng nhất.

Có 1 điều nữa em muốn chia sẻ, đó là có những thời điểm em cảm thấy việc tìm thấy công việc ở Mỹ là bắt buộc, rằng em cần 1 công việc ở Mỹ thì mới gọi là thành công. Theo em, đó là 1 áp lực không nên có.

Từ tháng 4 cho đến tháng 6 năm 2020, em vẫn luôn nghĩ 1 cách cứng nhắc là mình buộc phải có 1 công việc ở Mỹ. Nhưng sau đó, em tự thả lỏng mình ra rằng “Chưa chắc những người tìm được việc làm ở Mỹ đã thành công hơn những người trở về Việt Nam” Em cởi trói cho mình rằng “Ừ, mình phải về Việt Nam thì cũng không sao. Sếp cũ của em ở Việt Nam vẫn luôn nhắn tin cho em rằng sếp luôn chào đón em quay trở lại công ty nếu em trở về. Em cũng nghĩ đến gia đình, rằng việc ở gần gia đình cũng là 1 hạnh phúc mà các bạn làm việc ở Mỹ sẽ khó có được.” Từ đó em nhận ra, mình luôn có 1 con đường lùi, đó là quê hương của mình. Vậy thì trong thời gian 3 tháng ở đây, mình sẽ cố gắng 1 lần cuối cùng. Và nếu sau 3 tháng không tìm được việc làm, mình cũng có gì để mất đâu. Thế là em lại phấn chấn lên, em còn tiếp cận đến cả những sếp của những người tuyển dụng, đến cả những CEO. Em nhận ra rằng, khi mình cảm thấy tích cực, tự tin lên, thì cách mình nói chuyện cũng sẽ khác.

Em muốn nhắn nhủ các bạn rằng, nếu các bạn cố gắng hết sức rồi mà vẫn không tìm được việc ở Mỹ. Điều đó cũng không sao. Nếu các bạn đã cố gắng hết sức, thì dù các bạn trở viề châu Á hay trở về VIệt Nam, em tin rằng nhiều cơ hội hơn đang chờ đón các bạn.

Có 1 điều nữa chị ấn tượng với Huyền là sự bền bỉ của em. Trong quá tình làm mentor cho VNPN, chị yêu cầu tất cả các bạn mentee của chị liệt kê ra những công ty các bạn xin việc, các bạn đã xin những vị trí nào và vào sâu được đến vòng nào. Tất cả các bạn đều trả lời nhưng bạn mentee chăm chỉ nhất và làm cẩn thận nhất cũng chỉ khoảng hơn 200 cái đơn xin việc. Vậy mà chỉ 1 mình công ty Amazon, em đã gửi đi lượng hồ sơ gấp đôi bạn mentee chăm chỉ nhất của chị rồi. Chị không biết là số lượng đơn xin việc em đã gửi đi là bao nhiêu cái?

Em cũng hi vọng em chia sẻ thì các bạn đừng cười em. Em biết rất nhiều bạn xin việc hiệu quả hơn em. Còn cá nhân em thì em đã hoàn thành khoảng 4000 cái đơn xin việc ạ (?!!)

Có những thời điểm, em gửi đơn đi 1 cái là người ta sẽ gửi thư từ chối luôn. Mỗi sáng tỉnh dậy, em có 1 nhiệm vụ là xóa những cái thư từ chối đó. Ban đầu có rất nhiều cảm xúc thất vọng, đầu tiên là tự hỏi “Tại sao mình làm được việc mà người ta nỡ từ chối mình”. Sau đó là cảm thấy không công bằng, rồi cao trào là cảm thấy tuyệt vọng “ôi mình không còn cơ hội nữa rồi, mình chắc chắn là phải về nước. Mình thật là 1 kẻ thất bại”. Nhưng sau này số thư từ chối lên nhiều quá thì em cũng bị chai luôn cả cảm xúc. Em cảm thấy mình đã trơ luôn trước mỗi thất bại. Thậm chí đến 1 ngày nhận được ít thư từ chối hơn thì em lại cảm thấy ngạc nhiên “Ơ, sao hôm nay ít thư từ chối thế nhỉ? Hay là bên nhân sự của họ đang bị ốm nhỉ?”

Đến khoảng cuối tháng 6 thì em nhận thấy thị trường lao động bắt đầu tốt lên. Em bắt đầu nhận được nhiều cuộc phỏng vấn hơn. Vậy nên nếu có bạn nào đã thử mọi cách, mọi chiến lược mà vẫn thất bại thì em nghĩ các bạn có thể thử cách gia tăng số lượng của em. Mỗi ngày em dành 16-20 tiếng để xin việc làm, thật ra quá trình đó rất căng thẳng và thử thách thần kinh.

Wow, tương đương với 1 ngày làm việc ở Investment Bank trong thời điểm cao trào..

Vâng, em muốn chia sẻ đến các bạn rằng nếu các bạn cũng phải trải qua thời gian khó khăn như thế, rằng khi mọi chuyện đã xuống đáy rồi thì sau đó chắc chắn sẽ là đi lên. Mình chỉ có 1 shot để cố gắng, hãy làm hết mình. Nên em cũng hơi ngại khi chia sẻ với các bạn con số 4000 đơn xin việc của em...

Em đừng lo, em không phải người duy nhất áp dụng chiến thuật trâu bò này ở Mỹ. Chị đã đọc rất nhiều cuốn sách và nghe rât nhiều người chia sẻ về chiến thuật này của em. Trong 1 cuốn sách chị đọc là cuốn Outliers, tác giả có chia sẻ rằng để trở thành chuyên gia tầm cỡ của 1 lĩnh vực nào đó, con người ta phải tốn khoảng 10,000 giờ luyện tập. Kiến thức và kỹ năng nào cũng cần phải có 1 khoảng thời gian tích lũy đủ dài để trở thành 1 bản năng thứ 2 trong con người em. Thật ra đây là 1 chiến thuật chị cũng phải học hỏi em và cũng đang áp dụng từng ngày. Chị rất mừng vì em có thể làm được điều này từ khi em còn rất trẻ để tiến xa.

Em cũng chưa biết tương lai mình sẽ đi về đâu nhưng em hiểu rằng để giữ cho mình sự nỗ lực bền bỉ hàng ngày mà vẫn thả lỏng được bản thân không áp lực thì luôn chuẩn bị 1 chỗ dựa tinh thần vững chắc là điều rất quan trọng. Em luôn tự nhủ với mình rằng, mình sẽ đến sớm nhất, mình sẽ về muộn nhất, mình sẽ hỏi nhiều câu hỏi nhất. Ngay cả khi mọi chuyện không đi đúng hướng mình mong muốn, em luôn tâm đắc với 1 câu chị nói “Không bao giờ là đường cùng”. Nhờ nỗ lực mỗi ngày, em đã tốt hơn em của ngày hôm qua. Dù con đường đi đến đâu thì em biết mục tiêu sau cùng em muốn làm là gì. Con đường nào rồi cũng đi đến đích.

Thời gian nỗ lực networking suốt mấy tháng của em đã không uổng phí. So với thời điểm ở Việt Nam, khả năng network của em đã tốt hơn rất nhiều. Ví dụ như CEO ở ngân hàng em có thói quen đi vòng quanh công ty. Nếu như em là con người cũ thời ở Việt Nam, nhìn thấy CEO là em sẽ rất sợ không dám bắt chuyện. Nhưng ngày hôm nay thì em đã mạnh dạn tiến đến nói chuyện với bác ấy. Em nhận ra là khi đi dạo vòng quanh bác ấy cứ đi thẳng thôi nhưng mỗi khi gặp em bác ấy sẽ phải dừng lại để hỏi “Hailey hôm nay mày thế nào?” hoặc là “Hôm nay mày làm phiền sếp bao lâu?”

Vậy nếu có 1 bài học em rút ra từ quá trình tìm việc của mình, thì đó là gì?

Em nghĩ rằng các bạn có thể xin việc hiệu quả hơn em và có lẽ dễ dàng hơn nếu các bạn bình tĩnh xác định được đam mê nghề nghiệp của mình.

Thật lòng em luôn biết mình mong muốn làm việc trong ngành tài chính. Ngoài kinh nghiệm làm ngân hàng đầu tư ở Việt Nam, em đã từng dứt khoát chọn ngành tài chính 1 lần nữa khi phải lựa chọn giữa 1 công ty về giáo dục và 1 công ty về tài chính khi xin thực tập ở Mỹ. Công ty trong ngành giáo dục đã mời em thực tập năm thứ 1 hứa với em rằng nếu em làm tốt thì việc xin visa làm việc H1B cho em là trong tầm tay, công ty có truyền thống hỗ trợ H1B đã nhiều năm và rất ủng hộ diện visa làm việc này. Trong khi công ty tài chính em thực tập lại có lịch sử hầu như không hỗ trợ visa H1B, nếu có cũng chỉ hỗ trợ những ngành công nghệ chứ tài chính là rất hiếm. Thời điểm đó em đã lựa chọn công ty tài chính dù biết con đường xin việc làm với hỗ trợ visa sau khi tốt nghiệp sẽ khó khăn hơn.

Sau khi ra trường, sự khó khăn và thay đổi do dịch Covid mang lại đã thử thách niềm tin của em với đam mê nghề nghiệp của mình. Em nộp đơn bất cứ nơi nào mở đơn tuyển dụng, vì em quá sợ mình sẽ thất bại. Nếu điềm tĩnh hơn, em sẽ thấy rằng cuối cùng, em network hiệu quả hơn và hồ sơ em nổi bật hơn với các công ty tài chính – cũng là nơi em cảm thấy đam mê nhất. Nếu các bạn có 1 niềm đam mê nghề nghiệp, em hi vọng các bạn sẽ vững tin vào đam mê của mình trong thử thách, điều đó sẽ tiết kiệm cho các bạn nhiều công sức hơn.

Chị rất cám ơn Huyền vì đã dành thời gian cho VNPN. Em là 1 trong số những mentees chị ấn tượng nhất và thành công nhất trong những mùa vừa qua. VNPN chào đón em trở lại làm mentor trong 1 ngày không xa.

Chương trình cố vấn nghề nghiệp 1-1 P-CAME 7 đang mở đơn đăng ký đến hết ngày 25/3. Chúng mình hi vọng nhận được đơn đăng ký tham gia làm mentors và mentees của các bạn qua đường link này nhé.